Bất động sản logistics vẫn thu hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư. |
Dòng tiền từ khắp nơi
Tập đoàn bất động sản logistics Singapore GLP vừa chính thức công bố thành lập Quỹ phát triển logistics đầu tiên tại Việt Nam mang tên GLP Vietnam Development Partners I (GLP VDP I), với tổng giá trị đầu tư 1,1 tỷ USD.
GLP gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2020 thông qua liên doanh bất động sản logistics quy mô 1,5 tỷ USD với SLP. Có thể nói, động thái thành lập Quỹ GLP VDP I đã được tính toán kỹ lưỡng. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư vào giữa năm 2021, ông Kent Yang, đối tác sáng lập của SLP đã hé lộ: “Chúng tôi đang xúc tiến đầu tư khoảng 1 tỷ USD để phát triển các dự án bất động sản logistics hiện đại ở Việt Nam trong vòng 3-4 năm tới”.
Với mục tiêu trở thành một trong những quỹ phát triển logistics lớn nhất ở Đông Nam Á, Quỹ GLP VDP I đã nhận được cam kết từ một nhóm nhà đầu tư đa dạng đến từ các quỹ hưu trí, quỹ đầu tư quốc gia và các công ty bảo hiểm đến từ châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. GLP cũng dự kiến chào đón thêm nhiều nhà đầu tư mới vào hoạt động kinh doanh quản lý quỹ của mình như Quỹ hưu trí Hà Lan APG và Tập đoàn dịch vụ tài chính Manulife.
Theo đánh giá của ông Craig A. Duffy, Giám đốc điều hành GLP, dòng tiền đầu tư đến từ các tập đoàn chuyên nghiệp vào logistics tại châu Á - Thái Bình Dương là rất mạnh mẽ, đặc biệt tại Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn nhất nhờ vào dân số năng động, nền kinh tế ngày càng phát triển và sự gia tăng tiêu dùng nội địa của tầng lớp trung lưu. Hơn nữa, thị trường Việt Nam có những nét tương đồng với các mô hình kinh doanh logistics của GLP tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Tập đoàn GLP hiện quản lý danh mục tài sản bất động sản và vốn tư nhân với tổng trị giá hơn 120 tỷ USD. Theo dự tính ban đầu, GLP VDP I sẽ tập trung phát triển các cơ sở logistics hiện đại ở 2 thị trường trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM và các vùng xung quanh với khởi điểm là 6 dự án, tổng diện tích gần 900.000 m2 và nhiều dự án tiềm năng khác trong tương lai.
Trong năm 2021, chỉ vài tháng sau khi được cấp phép đầu tư, GLP cùng với SLP nhanh chóng khởi công 2 dự án mới, lần lượt tại Hải Phòng và Long An với tổng vốn đầu tư ban đầu là 57 triệu USD. Trong năm 2022, liên doanh này chưa có phản hồi về kế hoạch đầu tư và phát triển quỹ đất công nghiệp cụ thể cho cả năm.
Nhu cầu tiếp tục tăng cao
Ông Kent Yang, đối tác sáng lập của SLP chia sẻ, Việt Nam là “điểm đến đúng nơi và đúng thời điểm” của SLP và công ty này đặt kỳ vọng dài hạn vào việc phát triển kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Phía SLP nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự gia tăng tiêu dùng nội địa và phát triển nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử. Hơn nữa, việc dịch chuyển của chuỗi cung ứng vào Việt Nam và thiếu hụt các cơ sở logistics hiện đại sẽ tạo ra nhu cầu và cơ hội to lớn cho hạ tầng logistics của SLP.
Còn ông Graeme Torre, Giám đốc điều hành, kiêm Trưởng bộ phận Bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ hưu trí Hà Lan APG nhận định: “Với việc chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển đến Việt Nam, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, giúp duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam còn là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chúng tôi tin rằng, lĩnh vực logistics của Việt Nam là cơ hội hấp dẫn để tham gia đầu tư vào khu vực này”.
Đối với xu hướng đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp năm 2022, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp tại CBRE Việt Nam cho biết, CBRE dự báo thị trường bất động sản sẽ tiếp tục sôi động bởi nhu cầu mở rộng của các dự án sản xuất đã hiện diện tại Việt Nam, nhất là việc mở rộng sản xuất trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, bao bì, năng lượng tái tạo, linh kiện xe hơi, đồ gỗ… sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường.
Trong năm 2021, lĩnh vực bất động sản đã thu hút 2,63 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó phân khúc bất động sản logistics là lực hút mạnh mẽ dòng vốn này với hàng loạt dự án quy mô từ vài chục triệu USD đến hàng trăm triệu USD.
Với năm 2022, đại diện CBRE nhận định, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của các chủ đầu tư thứ cấp trong lĩnh vực logistics sẽ đóng vai trò lớn trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản và dòng vốn này được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao ở phân khúc bán lẻ và thương mại điện tử để phục vụ cho thị trường gần 100 triệu dân.
Ngoài ra, theo ông Lê Trọng Hiếu, vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo sẽ tác động quan trọng đến thị trường đất công nghiệp và nhà xưởng/kho bãi năm 2022. Đặc biệt, FDI trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo tăng lên sẽ kéo nhu cầu thuê đất công nghiệp và nhà xưởng/kho bãi tăng theo. Do đó, các chủ đầu tư khu công nghiệp, kho/xưởng cho thuê sẽ tự tin hơn để tiếp tục mở rộng đầu tư.