| ||
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú |
Nhanh chậm vài tháng không quan trọng
Phát biểu tại Diễn đàn M&A 2013 do báo Đầu Tư và Công ty AVM Vietnam tổ chức ngày 8/8 tại TPHCM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, hình thức M&A trên thế giới đã diễn ra từ lâu, không chỉ trong bối cảnh kinh tế bất ổn mà ngay cả trong điều kiện kinh tế thuận lợi.
Tại Việt Nam, đây cũng không phải là vấn đề mới, vì trước đây cũng đã có một số ngân hàng sáp nhập ổn thỏa mà ngân sách không phải bỏ ra đồng vốn nào.
Trước những ý kiến cho rằng, quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra chậm chạp, Phó Thống đốc cho rằng, ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu bắt buộc đang có những chuyển biến tích cực. Với hiệu quả đạt được, lãnh đạo NHNN tin tưởng, tốc độ tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra nhanh và đồng bộ chứ không chậm.
“Nhưng quan trọng nhất trong M&A là sau M&A, hai bên có “cơm lành, canh ngọt” hay không. Muốn vậy, phải tìm ra phương án M&A khả thi nhất, nếu vì nóng vội về thời gian mà lựa chọn đề án không khả thi thì quá trình tái cơ cấu càng kéo dài. Nhanh chậm vài tháng không quan trọng mà quan trọng là lựa chọn được phương án phù hợp với từng ngân hàng trên cơ sở minh bạch toàn bộ tài chính, quản trị của ngân hàng đó”, Phó Thống đốc nhận định.
Vốn ngoại rót vào ngân hàng đang có hiệu quả
Liên quan đến nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, hiện đang có 13 ngân hàng có sự tham gia của đối tác nước ngoài và đều không phải các ngân hàng thuộc diện yếu kém. Điều này cho thấy, việc tham gia của ngân hàng nước ngoài vào các ngân hàng trong nước là rất hiệu quả.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hòa –Vụ trưởng Vụ Cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng (Cơ quan Thanh gia sám sát ngân hàng, NHNN) cho hay, NHNN đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 69/2007/NĐ-CP ban hành ngày 20/04/2007 của Chính phủ về tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với ngân hàng trong nước.
Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tham gia góp vốn 20% với tổ chức tín dụng Việt Nam mà không cần phải xin phép Chính phủ. Ngoài ra, với một số trường hợp đặc biệt, nhằm phục vụ quá trình tái cơ cấu ngân hàng, Chính phủ có thể nâng tổng mức sở hữu cổ phần của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan tại tổ chức tín dụng lên quá 30%. Nếu được thông qua, những quy định trên sẽ mở thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam.
Cũng theo bà Hòa, thời gian qua, việc các tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là trong tăng năng lực tài chính, năng lực điều hành, quản trị rủi ro…
Liên quan đến Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, số vốn điều lệ 500 tỷ đồng không liên quan đến năng lực xử lý nợ của VAMC, bởi VAMC sử dụng chủ yếu là trái phiếu đặc biệt.
Các ngân hàng sau khi bán nợ cho VAMC sẽ được nhận trái phiếu đặc biệt, và có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt này để vay tái cấp vốn của NHNN. Tỷ lệ tái cấp vốn phụ thuộc vào từng ngân hàng và tùy từng thời điểm để đảm bảo mục tiêu lạm phát.
Thùy Liên