Doanh nghiệp
Vốn ngoại tăng liều vào dược phẩm
Anh Hoa - 25/08/2020 10:33
Xu hướng mua bán - sáp nhập (M&A) giữa các doanh nghiệp dược trong nước và doanh nghiệp nước ngoài diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất, lẫn phân phối.
Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ngành dược được cho là sẽ được hưởng lợi và bứt phá.

Doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc

Công ty dược phẩm ASKA (Nhật Bản) vừa hoàn tất mua lại hơn 6,5 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây (Hataphar, HNX: DHT), tương đương 24,9% cổ phần.

Trước đó, Dược phẩm Hà Tây dự kiến chỉ phát hành hơn 5,2 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, với mức giá dự kiến 70.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu DHT hiện giao dịch ở mức 60.000 đồng/cổ phiếu.

Cùng với việc chào đón nhà đầu tư chiến lược, Dược phẩm Hà Tây đang thực hiện dự án nhà máy sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar, với vốn đầu tư 1.350 tỷ đồng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). Dự kiến, công suất hằng năm của nhà máy này là hơn 2 tỷ đơn vị tân dược, thuốc có chứa hormone và hơn 700 triệu đơn vị sản phẩm thuốc từ dược liệu. Nhà máy sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương, dự kiến hoàn thành và đưa vào sản xuất - kinh doanh trong quý II/2023.

ASKA là hãng dược 100 năm tuổi của Nhật Bản, chuyên về các sản phẩm cho nội khoa, sản phụ khoa và tiết niệu. Từ tháng 4/2020, Công ty thành lập bộ phận kinh doanh quốc tế.

ASKA kỳ vọng, sự kết hợp giữa năng lực công nghệ sản xuất và phát triển dược phẩm của mình với cấu trúc thương mại của Dược phẩm Hà Tây tại Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho cả hai và cho cổ đông.

Trong khi đó, Dược phẩm Hà Tây chuyên sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu thuốc chữa bệnh, hóa chất nguyên liệu làm thuốc, dược liệu và trang thiết bị y tế.

Năm 2019, doanh thu thuần của Dược phẩm Hà Tây đạt hơn 2.042 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 86,2 tỷ đồng. Kết thúc quý II/2020, Dược phẩm Hà Tây chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, với doanh thu thuần đạt 396 tỷ đồng, giảm 23% so với quý trước đó và giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước ASKA, năm 2019, Taisho trở thành tên tuổi Nhật Bản đầu tư lớn vào ngành dược phẩm. Công ty hiện chiếm tỷ lệ sở hữu gần 51% tại Dược Hậu Giang và biến công ty này thành công ty con của mình để thực hiện chiến lược đẩy mạnh bán hàng tại ASEAN cũng như khu vực Đông Á.

Thực tế, doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng đầu tư theo hình thức trực tiếp đổ vốn vào Việt Nam, vì việc này sẽ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh hơn. M&A giữa các doanh nghiệp dược trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài đang diễn ra mạnh mẽ cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn phân phối dược phẩm.

Thách thức do phụ thuộc thị trường nhập khẩu nguyên liệu

Các tên tuổi lớn trong ngành dược phẩm thế giới đã góp mặt ở hầu hết các doanh nghiệp trong nước. Đó là Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,7% cổ phần của Domesco và mua lại Công ty cổ phần Dược phẩm Glomed; Adamed Group (Ba Lan) đã chi 50 triệu USD để thâu tóm 70% cổ phần của Đạt Vi Phú (Davipharm); Pymepharco (PME) nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% và cho phép Stada Service Holding B.V tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72%...

Trong thời gian tới, Imexpharm (IMP) và Traphaco (TRA) được cho là 2 cái tên tiềm năng tiếp theo trong làn sóng M&A. Hiện tổng sở hữu nước ngoài tại 2 doanh nghiệp này lần lượt là 47,8% và 47,1%.

Trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp ngành dược được cho là sẽ được hưởng lợi và bứt phá.

Tuy nhiên, 80 - 90% nguyên phụ liệu của các công ty là nguồn nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ là hai nguồn cung nguyên liệu dược phẩm lớn nhất cho Việt Nam, chiếm lần lượt 63,7% và 16,7% kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm năm 2019.

Trong 2 tháng đầu năm 2020, do nguồn cung tại Trung Quốc và Ấn Độ bị ảnh hưởng, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu dược phẩm từ 2 thị trường này lần lượt là 27,2 triệu USD (giảm 30% so với cùng kỳ) và 9,4 triệu USD (giảm 25,8%). Tính chung, tổng giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm nay đạt 46,5 triệu USD, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ là thách thức lớn trong năm 2020 đối với ngành dược.

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BSC, doanh thu ngành dược nội địa có thể giảm 7% nếu Covid-19 kéo dài đến cuối 2020. BSC cho rằng, những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, nợ thấp sẽ chống chọi tốt hơn với khó khăn ngắn hạn.

Được biết, Dược phẩm Hà Tây đang bị liệt vào doanh nghiệp đáng lo ngại nhất trong số các doanh nghiệp trong ngành này. Theo Công ty Chứng khoán FPTS, các khoản nợ ngắn hạn chiếm 98,8% nợ phải trả của Dược phẩm Hà Tây, trong đó các khoản nợ vay chiếm 38,5% và các khoản nợ nhà cung cấp và khách hàng chiếm 55,7%. Nếu không được dãn thời gian trả nợ, Dược phẩm Hà Tây phải đối mặt với áp lực trả nợ cao trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngành dược Việt Nam đang được đánh giá cao về dư địa tăng trưởng. Theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô thị trường dược phẩm nước ta sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026.

Trong khi đó, Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health dự báo, chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ đạt mức 50 USD/năm trong năm nay. Ðiều này giải thích vì sao các doanh nghiệp dược nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tin liên quan
Tin khác