Theo ước tính của Vikomed, giá sản phẩm của nhà máy sẽ giảm 20% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, chưa kể chi phí bảo dưỡng và vận hành thiết bị.
| ||
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vốn vào công nghiệp thiết bị y tế |
Vikomed là liên doanh giữa Trung tâm công nghệ laser Nacelas thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Công ty TNHH Hệ thống thiết bị y tế Hàn Quốc (Gemss), với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD.
Đối tác Hàn Quốc trong liên doanh (Gemss) là công ty đầu tiên tại Hàn Quốc được cấp bằng sáng chế thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích (ESWL), chiếm lĩnh 70% thị phần tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, đây cũng là doanh nghiệp đi đầu và lâu đời nhất trong phát triển X-quang kỹ thuật số tại Hàn Quốc với thế hệ máy X-quang kỹ thuật số hiện đại nhất thế giới.
Gemss hiện cũng là đơn vị liên doanh để sản xuất máy C-Arm hỗ trợ phẫu thuật cho hãng Toshiba của Nhật Bản.
Giai đoạn I của Dự án được đầu tư 3 triệu USD/năm. Trong đó, các đối tác trong liên doanh sẽ góp 750.000 USD, vốn huy động từ các cổ đông chiến lược là 1,35 triệu USD và 1 triệu USD còn lại là nguồn vốn vay.
Trong giai đoạn II, Dự án được đầu tư thêm 5 triệu USD. Trong đó, 850.000 USD trích từ nguồn khấu hao và 4,15 triệu USD là nguồn vốn vay và phát hành thêm cổ phiếu.
Công suất sản xuất trong giai đoạn đầu dự kiến đạt khoảng 200 sản phẩm/năm và sau đó sẽ tăng lên 400 sản phẩm/năm. Khi đi vào hoạt động, doanh thu của Vicomed sẽ đạt khoảng 18 triệu USD/năm.
Những sản phẩm chính Nhà máy Vicomed cung cấp ra thị trường chủ yếu là hệ thống thiết bị chẩn đoán, bao gồm: thiết bị chụp X-quang cao tần, thiết bị chụp X-quang số, thiết bị C-Arm phục vụ phẫu thuật. Ngoài ra, Vicomed còn sản xuất các thiết bị điều trị như thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, thiết bị laser tán sỏi nội soi, thiết bị laser trị liệu...
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Chủ tịch HĐQT Vicomed, ngành công nghiệp thiết bị y tế của Việt Nam hiện còn rất non trẻ, rất ít doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và sản xuất thiết bị y tế, trong khi Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi và khuyến khích.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực y tế nói chung khá thưa thớt, đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế lại càng hiếm hoi hơn. Mặc dù một số nhà đầu tư nước ngoài cho biết, về dài hạn, Việt Nam là địa chỉ tốt để đầu tư y tế, nhưng lĩnh vực họ quan tâm chủ yếu là bệnh viện cao cấp, còn việc đầu tư vào trang thiết bị y tế vẫn khá dè dặt.
“Nếu Vicomed thành công, sẽ có nhiều doanh nghiệp khác quan tâm đầu tư vào thiết bị y tế, đồng thời, mô hình của Vicomed có thể mở rộng sang nhiều nhóm sản phẩm khác và sẽ kích thích thêm nhiều nhà đầu tư tham gia”, ông Liêm nói.
Hiện tại, một số bệnh viện lớn trong nước đã lắp đặt hệ thống thiết bị y tế do Vikomed sản xuất. Trong đó, tại Hà Nội có Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại TP.HCM, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất và Bệnh viện Trưng Vương cũng đã sử dụng thiết bị của Vikomed.
Ngoài ra, một số bệnh viện quân y, như Bệnh viện Quân y 17 (Đà Nẵng), Bệnh viện quân y 13 (Quy Nhơn), Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) cũng sử dụng thiết bị của Vikomed.
Chí Tín