Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH Công Lý: Khởi động giai đoạn 3 Dự án điện gió Bạc Liêu
Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư về năng lượng sạch như: chính sách ưu đãi về đất đai, miễn thuế nhập khẩu thiết bị, mua điện các dự án năng lượng sạch với thời hạn 20 năm, tăng mức hỗ trợ mua điện các dự án là 7,8 US cents/KWh.
Cùng với nhà máy điện gió ở Bình Thuận, Công ty TNHH Công Lý là đơn vị tiên phong đã mạnh dạn đầu tư Dự án điện gió Bạc Liêu với công suất 99,2 MW bao gồm 62 trụ turbine gió, giai đoạn 1 công suất 16MW đã lắp dựng thành công và hòa vào điện lưới quốc gia. Dự kiến, giai đoạn 2 của dự án này sẽ hoàn thành cuối năm 2015.
Thành công trên có thể xem là điểm đột phá mở đường cho nền công nghiệp phong điện non trẻ, nhưng được kỳ vọng là một nguồn điện đảm bảo và bền vững trong tương lai.
Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư phải học hỏi nhiều và cần sự hỗ trợ, tư vấn về kỹ thuật, về tài chính của Chính phủ, các ban ngành Trung ương, UBND tỉnh Bạc Liêu cũng như các tổ chức tài chính, kỹ thuật trong và ngoài nước.
Tháng 3/2015, Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) đã thoả thuận viện trợ không hoàn lại gần 1 triệu USD để tài trợ nghiên cứu khả thi phát triển dự án điện gió tại Bạc Liêu giai đoạn 3.
Khoản viện trợ trên sẽ là động lực giúp chủ đầu tư cùng các đơn vị tư vấn Hoa Kỳ lên kế hoạch và lập dự án cho giai đoạn 3. Đồng thời, dự án điện gió Bạc Liêu là nơi đánh giá về tài nguyên năng lượng gió khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ và trên thế giới tham gia vào việc phát triển năng lượng sạch, năng lượng gió tại tỉnh Bạc Liêu, cũng như các vùng lân cận.
Ông Peter Cowling, Giám đốc Công ty năng lượng tái tạo GE khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Tua – bin điện gió “madein” Việt Nam được xuất khẩu.
Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, thường xuyên ở khu vực châu Á và đến Việt Nam được 4 năm. Có thể khẳng định, chất lượng gió để phục vụ phát triển điện gió ở Việt Nam có chất lượng hàng đầu thế giới. Đây là lợi thế rất lớn, vì có năng lượng gió thì sẽ phát triển được điện gió và giúp ích nhiều cho năng lượng quốc gia, thay vì phải nhập khẩu, giá bán điện sẽ phù hợp hơn. Như thế, ngành công nghiệp điện gió ở Việt Nam còn nhiều tương lai.
Tất nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quy hoạch, vấn đề tài chính để xây dựng nhà máy điện gió. Nhưng, thực tế là có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo tôi, hoàn toàn có thể tin tưởng được vào tương lai phát triển của điện gió, bởi công nghệ ngày càng phát triển, chi phí ngày càng giảm.
Đến nay, GE đã đầu tư 2 tỷ USD cho các dự án điện gió trên thế giới với hàng trăm dự án và chúng tôi có kinh nghiệm ở nhiều nước. Đầu tư cho dự án điện gió là hiệu quả, bền vững, không phải chi phí cho nhiên liệu và phát thải. Trong chu kỳ 5-10 năm thu lợi nhuận tốt.
Trước đây, GE đã xuất khẩu nhiều tua – bin cho các dự án điện gió ở Việt Nam. Hiện nay, GE đã có nhà máy ở Hải Phòng và nhiều hàng sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu đi các nước. Tôi tin rằng, nếu làm tốt ở Việt Nam sẽ đi đầu tư được nhiều quốc gia khác ở châu Á.
Ông Richard O’Connell, Giám đốc quốc tế, Công ty Năng lượng tái tạo Black & Veatch: Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư dự án điện mặt trời ở Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có số giờ thu nhận ánh sáng mặt trời cao và là thị trường đang có tiềm năng, thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực điện mặt trời. Cũng như các dự án phong điện, các dự án điện mặt trời không phải chi phí cho nguyên liệu, không phát thải khí nhà kính, không gây ô nhiễm môi trường…nên cũng là xu hướng về năng lượng được nhiều nước quan tâm. Chu kỳ đầu tư cũng không quá dài, thời gian xây dựng nhà máy khoảng 2 năm và sớm thu được lợi nhuận.
Tuy nhiên, có 2 vấn đề đáng quan tâm trong xây dựng dự án điện mặt trời. Đó là, lo ngại về việc chiếm diện tích đất lớn và cần có các nhà thầu địa phương đủ kiến thực và kinh nghiệm để xây dựng dự án. Tại nhiều quốc gia phát triển đã đáp ứng tốt yêu cầu về nhà thầu xây dựng. Riêng lo ngại về chiếm đất, thì hiện nay đã có những giải pháp công nghệ phủ hợp với những nơi không có nhiều đất để làm dự án.
Tại Việt Nam, việc đầu tư dự án điện mặt trời còn mới. Tuy nhiên, xu hướng khá tích cực hiện nay là các dự án điện mặt trời có chi phí đầu tư giảm đi. Là doanh nghiệp hàng đầu chuyên về điện mặt trời nhiều năm nay, sản xuất trên 4.000 MW mỗi năm trên thế giới, trong đó, riêng dự án tại bang Califonia (Hoa Kỳ) có công suất 600 MW là nhà máy lớn nhất thế giới, chúng tôi rất quan tâm đến việc đầu tư, giúp Việt Nam phát triển các dự án điện mặt trời.