Becamex ACC chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm bê tông nhựa, bê tông đúc sẵn. |
Tăng vốn gấp 3, giá cổ phiếu nhảy múa
Diễn biến thị giá cổ phiếu ACC của Becamex ACC từ đầu tháng 11/2020 đến nay cho thấy sự trồi sụt thất thường trước và sau ngày chốt quyền. Trước thời điểm chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, giá cổ phiếu ACC vẫn giằng co khá mạnh quanh mốc khoảng 19.000 đồng/cổ phiếu trong hơn 10 ngày đầu tháng. Riêng trong mấy phiên giao dịch trước thời điểm chốt quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, cổ phiếu ACC thậm chí rơi vào giai đoạn bị bán mạnh. Diễn biến trái ngược xuất hiện sau phiên chốt quyền (ngày 16/11), khi cổ phiếu này bật tăng mạnh trở lại.
Diễn biến nhảy múa của giá cổ phiếu ACC diễn ra xung quanh đợt phát hành 20 triệu cổ phiếu mà công ty này dự kiến thực hiện, đưa vốn điều lệ tăng gấp 3 sau phát hành. Giá trị vốn mà Công ty dự kiến huy động từ đợt phát hành này là 200 tỷ đồng, với mục đích bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính. Các mục đích trên cũng nhằm đảm bảo sẵn sàng nguồn vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh và tăng sức cạnh tranh của Công ty.
Quyền mua cổ phiếu đối với cổ đông hiện hữu đã chính thức chốt từ phiên giao dịch 16/11/2020, nhưng Becamex ACC vẫn còn nhiều việc phải làm để hoàn tất đợt phát hành lần này. Trong đó, các cổ đông vẫn có thể chuyển nhượng quyền mua trong giai đoạn từ ngày 24/11/2020 đến ngày 10/12/2020.
Trước đợt phát hành này, Becamex ACC đã ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng là 38,6 tỷ đồng, tăng tới 26,7% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi tách riêng phần lợi ích cho cổ đông thiểu sổ, riêng phần lợi nhuận sau thuế dành cho cổ đông công ty mẹ tăng 24,9%. Kết quả lợi nhuận này của Becamex ACC cho thấy, Công ty đã đặt tỷ suất lợi tức đáng mơ ước với lãi cơ bản trên cổ phiếu của giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020 đạt tới 3.407 đồng/cổ phiếu.
Nặng gánh dòng tiền âm
Tỷ suất lợi nhuận cao là vậy, nhưng sau đợt phát hành bổ sung 20 triệu cổ phiếu (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu hiện hữu được mua thêm 2 cổ phiếu mới), thì vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng gấp 3 lần. Điều này đồng nghĩa với việc Becamex ACC sẽ phải tăng giá trị tuyệt đối của lợi nhuận năm sau cao gấp 3 lần hiện nay thì mới có thể duy trì được tỷ suất lợi nhuận như hiện tại. Đây đương nhiên là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp ngành xây dựng này.
Ngoài ra, dòng chảy tài chính của Becamex ACC trong 9 tháng đầu năm cũng có không ít khó khăn, cho dù lợi nhuận tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Công ty bị âm tới 185,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 là gần 63 tỷ đồng. Dòng tiền âm “khủng” như vậy đã làm tiêu hao khá nhiều số tiền dự trữ của Công ty, khi con số tiền và tương đương tiền giảm từ 132 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm, còn 57,5 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 9/2020. Công ty cũng không còn đồng nào trong các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn. Ngoài ra, Becamex ACC còn phải gia tăng vay tài chính để bù thêm tiền cho hoạt động kinh doanh. Vay tài chính ngắn hạn đã tăng từ 85,8 tỷ đồng hồi đầu năm, lên 208,8 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020.
Bức tranh tài chính hiện tại cho thấy, số tiền 200 tỷ đồng, nếu huy động thành công trong đợt phát hành lần này, sẽ có ý nghĩa khá quan trọng cho Công ty trong việc bổ sung dòng tiền. Tuy nhiên, bên cạnh việc bổ sung dòng tiền tài chính, thì thách thức đối với Becamex ACC là phải chặn đà thâm hụt dòng tiền trong giai đoạn kinh doanh sắp tới.