Toàn cảnh “ Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”.(Ảnh: VGP) |
Ngày 23/9, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức “ Hội nghị trực tuyến về vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững”.
Tham dự và chủ trì có Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Báo cáo tại Hội nghị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, hiện nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện.
Đến 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với trên 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.
Với gần 11.000 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng, Ngân hàng chính sách xã hội đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Trong giai đoạn 2016 đến 31/8/2019, đã có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân Chính sách xã hội , với doanh số cho vay đạt 221.693 tỷ đồng; góp phần giúp trên 1,4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 775.000 lao động (trên 17.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); gần 200.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 4,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; trên 108.000 căn nhà ở cho hộ nghèo.
“Có thể khẳng định tín dụng chính sách xã hội đã đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân", ông Dương Quyết Thắng cho biết.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh của toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tại thời điểm 31/8/2019 còn 0,75% (nợ quá hạn 0,42%, nợ khoanh 0,33%).
Tuy nhiên, theo ông Dương Quyết Thắng, hoạt động của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua vẫn còn những khó khăn, thách thức, đó là: Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều, tại một số vùng, địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao. Đối tượng thụ hưởng một số chương trình tín dụng như cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.
Cũng theo ông Thắng, tại một số nơi, công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyên lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách chưa được gắn kết, dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Cho ý kiến tại Hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ bao phủ các nhóm đối tượng. Bên cạnh những chương trình tín dụng chính sách xã hội đầu tư cho sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, còn có các chương trình đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống như cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo... mang ý nghĩa thiết thực đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã biểu dương và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được thời gian qua trong hoạt động của tín dụng chính sách xã hội.
Phó Thủ tướng: Cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Ảnh VGP/Thành Chung |
Song Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tiếp tục xây dựng chiến lược của NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để thực hiện thành công chiến lược ngành ngân hàng.
Cụ thể, đối với các địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.
Chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn kết giữa đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục thực hiện tốt chức năng giám sát phản biện xã hội trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Qua đó, góp ý, kiến nghị cho các đơn vị, cá nhân khắc phục các thiếu sót trong công tác điều hành, quản lý nhà nước và việc chấp hành pháp luật ở địa phương, trong đó có hoạt động thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội uỷ thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng. Đặc biệt là cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tầng lớp nhân dân; tạo động lực và khuyến khích người dân lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo và vươn lên làm giàu.