Doanh nghiệp
Vốn từ quỹ đầu tư vào dự án khởi nghiệp sẵn sàng bùng nổ
Kỳ Thành - 10/01/2021 09:10
Bất chấp khó khăn chung do Covid-19 khiến các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm phải thắt chặt chi tiêu, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn để dòng vốn này tìm đến.
.

Nhìn nhận năm 2020 là một năm khó khăn với cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Anh Cường, Chủ tịch Quỹ đầu tư BestB Capital phân tích, start-up yếu về vốn, dòng tiền, nên việc các nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm thắt chặt và thận trọng hơn khi giải ngân do Covid-19, khiến doanh thu lẫn việc gọi vốn của các start-up gặp khó.

“Những sart-up ở giai đoạn đầu ‘early stage’ vốn đã khó khăn về dòng tiền, thì Covid-19 càng khiến họ điêu đứng. Đệ đơn phá sản là điều tất yếu và là lời cảnh tỉnh cho start-up luôn cần chuẩn bị phương án cho mọi tình huống”, ông Cường nói.

Đối lập với gam màu xám đó, ông Cường cho rằng, Covid-19 cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Covid-19 giống như đòn thử lửa, những doanh nghiệp bảo thủ, không chuyển đổi số sẽ phải dừng chân trong cuộc đua khốc liệt. Những doanh nghiệp táo bạo chuyển đổi số từ trước hoặc linh hoạt chuyển đổi nhanh và đạt được thành công đã minh chứng cho điều này”, ông Cường lập luận.

Theo bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID Việt Nam, trong bối cảnh hậu Covid-19, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để duy trì cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững.

Đây cũng là lý do USAID Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”, với mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số...

Dẫn chứng trường hợp điển hình là ứng dụng hội nghị, họp trực tuyến Zoom trở nên thành công và được định giá cao trong thời gian qua, ông Cường cho rằng, có không ít start-up của Việt Nam cũng được dự báo trở thành những “kỳ lân” trong tương lai như 1 Office, Base.vn... bởi đây là những ứng dụng hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.

Với kết quả kiểm soát dịch hiệu quả và thành công trong năm 2020, Việt Nam vẫn được xem là điểm đến của dòng vốn đầu tư cho khởi nghiệp.

Minh chứng là tại Diễn đàn quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Vietnam Venture Summit 2020 (VVS 2020) hồi cuối tháng 11/2020, 33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, gấp gần 2 lần số vốn cho giai đoạn 2019-2021 cam kết tại VVS 2019.

Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của Hãng định giá thương hiệu Brand Finance (Anh), giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm ngoái, lên tới 319 tỷ USD. Nhờ đó, Việt Nam đã tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới, trở thành giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2020.

Ông Phạm Anh Cường cho rằng, đây cũng là một yếu tố thu hút sự quan tâm của các nguồn vốn mới từ các quỹ ngoại, các nhà đầu tư thiên thần nước ngoài. Trong đó, các start-up liên quan tới công nghệ nhưng phải do chính start-up đó phát triển hoặc có sự chuyển giao từ nước ngoài và nắm được “công nghệ lõi”, hoặc nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng chuyển đổi số, ứng dụng vào các lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam được dự báo sẽ có tiềm năng lớn để thu hút vốn. “Đây là đầu bài của các quỹ ngoại khi đàm phán với quỹ đầu tư trong nước”, ông Cường cho hay.

Giới khởi nghiệp kỳ vọng, tới đây khi Luật Đầu tư mạo hiểm được soạn thảo và ban hành, làn sóng đầu tư mạo hiểm sẽ mạnh mẽ hơn, từ đó hỗ trợ tối đa cho các start-up. “Đây là tín hiệu đáng mừng với cả quỹ nội và quỹ ngoại”, đại diện một start-up chia sẻ.

Tin liên quan
Tin khác