Đội ngũ y, bác sĩ đã nỗ lực từng ngày, từng giờ để giành lại hơi thở cho các bệnh nhân Covid-19 Ảnh: Duy Hiệu |
Khi “cơn bão” quét qua
Nhớ lại ngày đầu đặt chân tới Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương, bác sĩ Quan Thế Dân (Bệnh viện đa khoa Trí Đức Thành - Thanh Hóa) không thể quên hình ảnh bệnh nhân nằm la liệt ngay từ Khoa Cấp cứu lên đến các phòng nội trú, phòng chăm sóc đặc biệt. Bất chấp nguy hiểm, bất chấp cực nhọc, bác sĩ Dân cùng đồng nghiệp ngày đêm làm việc vượt lên trên cả sức lực của bản thân chỉ với một mong muốn giúp bệnh nhân hồi phục.
Bác sĩ Quan Thế Dân (Bệnh viện đa khoa Trí Đức Thành - Thanh Hóa)
Ngày nối ngày, theo lời bác sĩ Dân, chỉ với 6 nhân viên y tế, họ đã chăm sóc cho khoảng 50 bệnh nhân đang thập tử nhất sinh. Virus SARS-CoV-2 tấn công vào hệ hô hấp, nên các bệnh nhân đều khó thở, thở gấp suốt ngày. Do phải thở ô-xy dòng cao, nên người bệnh bị mất nước, họ khát, môi khô nứt nẻ, người khô lại, máu cô đặc. Hành động đơn giản là uống nước cũng trở nên rất nhọc nhằn. Còn khi ăn, người bệnh buộc phải có sự trợ giúp của nhân viên y tế.
“Những ngày đầu mới chăm sóc bệnh nhân, do chưa có kinh nghiệm, tôi đỡ bệnh nhân ngồi dậy, gỡ mặt nạ ô-xy ra, nhưng vừa bón được vài thìa cháo, thì bệnh nhân đã suy hô hấp. Gần 40 năm trong nghề, lần đầu tôi gặp trường hợp bệnh nhân khó thở dữ dội đến thế. Vậy nên, mỗi bữa, chúng tôi chỉ mong bệnh nhân ăn thêm được vài thìa cháo, hấp thụ được chút ít dinh dưỡng, để có sức gắng gượng chống lại bệnh tật”, bác sĩ Dân kể lại.
Khi bệnh nhân không còn tự thở được, thì liên tiếp những “cơn bão” khốc liệt rình rập quật ngã họ. SARS-CoV-2 sau khi xâm nhập cơ thể sẽ sinh sôi, nảy nở theo cấp số nhân. Từ đó diễn ra cuộc chiến đấu khốc liệt giữa hệ thống miễn dịch, sức đề kháng trong cơ thể người bệnh với hàng tỷ con virus đang không ngừng sinh sôi, nảy nở, dẫn tới “cơn bão cytokine”.
“Cơn bão cytokine” xảy ra ở những người trẻ là chủ yếu do hệ miễn dịch mạnh, bệnh nhân mắc cơn bão sẽ suy hô hấp rất nhanh, trung bình chỉ nửa ngày đến một ngày, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong. Bác sĩ Trần Nam Chung, Phó trưởng khoa, Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện E) cho hay, trong những “cơn bão” đó, mỗi động tác, mỗi cử động, mỗi hành động của người bệnh đều có thể tiêu thụ hết số ô-xy quý giá còn lại.
Bệnh nhân có ổn không?
Tại các trung tâm hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19, chưa bao giờ ranh giới giữa sự sống và cái chết lại mong manh đến vậy. Các y, bác sĩ tại đây luôn nỗ lực từng khoảnh khắc để giành giật sự sống, hồi sinh nhịp đập và hơi thở cho bệnh nhân, giúp họ thoát khỏi lưỡi hái tử thần.
Bên trong nhà N4, một trong những khu điều trị hồi sức tích cực cho người bệnh Covid-19 nguy kịch của Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) luôn chất chứa âm thanh của thiết bị đo chỉ số sinh tồn cộng với tiếng bộ đàm vang khắp khu nhà, lúc thì cảnh báo nguy cấp vì bệnh nhân diễn biến xấu, lúc khác lại nhắc nhở nhân viên y tế cần chú ý theo sát F0.
Một buổi tối, khi nghe giọng thất thanh từ bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Trung tâm Gây mê hồi sức (Bệnh viện Việt Đức): “Chuẩn bị ép tim”, các y, bác sĩ tức tốc lao nhanh nhất có thể đến bên giường bệnh nhân khi màn hình chiếc máy hiển thị chỉ số nhịp tim, SPO2, đường mạch bắt đầu “đi ngang”.
Những giọt mồ hôi hiện rõ đằng sau những tấm chắn giọt bắn. Không khí căng thẳng đến nghẹt thở. Ai vào việc nấy, các y, bác sĩ cố gắng hết sức để vớt lại hơi thở cho bệnh nhân. Họ ngước khuôn mặt căng thẳng đến tột độ, căng mắt dõi theo các chỉ số hiện trên màn hình. Khuôn mặt họ chỉ thực sự giãn ra với nụ cười hạnh phúc trên môi khi cứu được bệnh nhân. Ngược lại, với bệnh nhân xấu số, đó là những ám ảnh đến khó quên.
Chia sẻ về việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Trần Nam Chung cho biết, các y bác sĩ không theo dõi bệnh nhân bằng diễn biến mệt hay khỏe, mà chỉ hỏi nhau rằng, người bệnh có đang ổn không.
Một ngày làm việc dài, cứ mỗi khi phát hiện có tiếng báo động của máy theo dõi các chức năng sống hoặc máy hỗ trợ hô hấp, việc đầu tiên bác sĩ phải phân biệt là tín hiệu đang được phát ra ở buồng bệnh nào, có thể là những bệnh nhân nào, lập tức phác họa sẵn các tình huống cần xử trí ngay, để có thể đến giường bệnh đó nhanh nhất.
Không những thế, người bệnh Covid-19 rất yếu, nên họ không nói to được, các bác sĩ phải rất chú ý, tập trung cao để nghe và hiểu. Sau ca trực dài, rời khỏi bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi, các chiến sĩ blouse trắng hạnh phúc vì cứu được bệnh nhân, đau buồn vì để vuột mất họ, nhưng cũng có những phút họ chạnh lòng, bởi không phải người bệnh nào cũng hợp tác tốt với những hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, bi quan, rối loạn tâm trí, nhiều bệnh nhân khó chịu với đủ thứ, từ môi trường phòng bệnh sáng đèn suốt ngày, đủ thứ tiếng động ồn ào, khó ăn, khó ngủ, nằm ngồi trong tư thế khó chịu. Tuy vậy, các nhân viên y tế đều không ai nỡ trách hay giận bệnh nhân, bởi họ đều hiểu những gì bệnh nhân đang trải qua là sinh tử. Bệnh nhân lo lắng, bất an, cáu giận là điều có thể hiểu, thông cảm. Trong lúc chới với ấy, họ cần lắm những lời động viên, quan tâm hỏi han của các bác sĩ điều trị hay các điều dưỡng giúp họ vượt qua lằn ranh sinh tử.