Năm 2018, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt 14%, thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch 17% đề ra hồi đầu năm. Sau quãng thời gian từ năm 2015 – 2017 tăng trưởng nóng bình quân trên 18%/năm, Ngân hàng Nhà nước đang kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn với mục tiêu ưu tiên tập trung vào phát triển bền vững.
Bước sang năm 2019, kế hoạch tăng trưởng tín dụng vẫn khá khiêm tốn, ở mức 14%. Việc tín dụng tăng trưởng chậm lại dự kiến sẽ ảnh hưởng không ít tới lợi nhuận chung của toàn ngành ngân hàng trong năm tới bởi trên thực tế, phần lớn nguồn thu của các ngân hàng hiện nay vẫn đến từ hoạt động cho vay.
Nguồn thu dịch vụ tăng của VPBank tập trung vào các dịch vụ gia trị gia tăng như bảo hiểm, thẻ tín dụng, tư vấn đầu tư... |
Trong khi đó, thời điểm áp dụng Basel II lên hệ thống ngân hàng đang rất cận kề. Theo tính toán của các công ty chứng khoán, để tăng trưởng tín dụng 14% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết sẽ cần thêm một lượng vốn rất lớn, khoảng 237.000 tỷ đồng trong năm nay.
Những bộ khung mới về chuẩn an toàn vốn và biên độ tăng trưởng tín dụng đang tác động lớn tới cách thức các ngân hàng trong nước hoạt động. Đã qua rồi cái thời phát triển tín dụng ồ ạt. Thay vì quá chú trọng vào hoạt động tín dụng như trước, các ngân hàng đang dần chuyển hướng, tập trung hơn các sản phẩm ngoài tín dụng, nổi bật hơn cả là hoạt động dịch vụ.
Không có rủi ro tín dụng như hoạt động cho vay, sự biến động lợi nhuận không lớn như mảng kinh doanh chứng khoán và kinh doanh ngoại hối, hoạt động dịch vụ của các ngân hàng được đánh giá là mảng tăng trưởng rất bền vững và sẽ đóng góp ngày càng lớn vào tổng thu nhập thuần, nhất là khi ngành ngân hàng đang tập trung nhiều vào mảng bán lẻ.
Đánh giá việc gia tăng tỷ trọng các hoạt động dịch vụ sẽ sớm trở thành xu thế chung của toàn ngành ngân hàng trong những năm tới, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, những năm gần đây, VPBank rất tập trung phát triển mảng kinh doanh này.
Năm 2018, tăng trưởng tín dụng của VPBank đạt 17%, lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 5.078 tỷ đồng, tăng trưởng 30,6% so với năm trước và đóng góp vào 55% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Trong đó, tổng doanh thu từ phí dịch vụ của VPBank đạt hơn 3.818 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước. Lãi ròng từ các khoản thu phí đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10%. Riêng khoản lãi ròng từ nguồn thu phí của ngân hàng riêng lẻ đạt 1.569 tỷ đồng, tăng tới 67% so với năm 2017.
Nguồn thu dịch vụ tăng của VPBank tập trung vào các dịch vụ gia trị gia tăng như bảo hiểm, thẻ tín dụng, tư vấn đầu tư…
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn thu của mảng dịch vụ đó là hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Bancassurance). Hồi tháng 10/2017, AIA Việt Nam đã ký kết hợp đồng hợp tác độc quyền 15 năm với VPBank, giúp ghi nhận khoản phí ứng trước hơn 800 tỷ đồng vào thu nhập hoạt động khác. Cái bắt tay giữa VPBank và AIA nhanh chóng mang lại thành quả ngay từ năm đầu khi VPBank đã thu về 514 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với năm trước đó.
Công ty chứng khoán VNDirect dự báo, sau khi phân phối độc quyền bảo hiểm AIA, doanh thu từ Bancassurance sẽ có bước nhảy vọt, dự kiến tăng thêm gần 1.500 tỷ đồng trong giai đoạn 2018- 2020.
Một thế mạnh khác của VPBank là mảng thẻ tín dụng. Chiến lược tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân giúp sản phẩm thẻ của VPBank tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thị phần thẻ Mastercard về cả số thẻ phát hành lẫn tổng doanh số sử dụng thẻ. Phía VPBank cho biết, trong năm qua, ngân hàng đã ra mắt dòng thẻ mới là thẻ World và World Lady cho phân khúc khách hàng ưu tiên. World Lady là thẻ tín dụng đầu tiên trên thị trường giành riêng cho khách hàng ưu tiên là phụ nữ. Thông qua dịch vụ thẻ, VPBank kết nối khách hàng tới các dịch vụ liên kết khác như tư vấn đầu tư cá nhân, hỗ trợ cho vay, dịch vụ bảo hiểm,…
Nhờ các chiến lược thúc đẩy chi tiêu hiệu quả, VPBank hiện là ngân hàng dẫn đầu về chi tiêu thẻ. Giá trị chi tiêu thẻ đạt khoảng 3.600 tỷ đồng mỗi tháng, tăng 65% so với năm 2017. Tới cuối năm 2018 tổng khối lượng giao dịch của VPBank chiếm khoảng 18% tổng giá trị thị trường.
Thu nhập thuần từ dịch vụ thanh toán cũng đóng góp khá lớn vào lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của VPBank khi đóng góp 282 tỷ đồng, tăng trưởng 67%. Với định hướng giảm thiểu sử dụng tiền mặt của Chính phủ và chất lượng thanh toán ngày càng tốt, người dân và doanh nghiệp có xu hướng thanh toán qua ngân hàng. VPBank, dù không chú trọng vào phí giao dịch nhưng nhờ nền tảng công nghệ thuận tiện vẫn duy trì được nguồn thu ổn định từ dịch vụ này.