Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – VPB) vừa có Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến bằng văn bản. Theo đó, ngày chốt danh sách cổ đông là 7/1/2022. Ngân hàng sẽ lấy cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank từ 15% lên 17,5%/vốn điều lệ.
Việc nới room ngoại lên 17,5%, theo lý giải của ngân hàng để là tỷ lệ đủ để VPBank có thể phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài tối đa 15%/vốn điều lệ sau khi phát hành. Trước đó, vào tháng 5/2201, VPBank chốt room ngoại ở mức 15% (khi đó khối ngoại đang nắm giữ trên 20% vốn điều lệ ngân hàng).
Do áp lực giảm room lớn, suốt mấy tháng qua, khối ngoại liên tục bán ròng cổ phiếu VPB, chỉ tính riêng tuần qua, khối ngoại đã bán hơn 35 triệu cổ phiếu VPB, giá trị hơn 1.226 tỷ đồng. Việc room vốn ngoại được nâng lên 17,5% sẽ làm giảm áp lực bán ra của khối ngoại.
Tuần qua, cổ phiếu VPB là một trong hai cổ phiếu giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng. Ngoài sự đi xuống của cả dòng cổ phiếu ngân hàng, VPB giảm điểm còn do áp lực bán ra mạnh mẽ của khối ngoại cộng thêm hơn 2 tỷ cổ phiếu cổ tức và cổ phiếu ESOP về tài khoản nhà đầu tư.
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài đã được VPBank đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đối tác đang được đồn đoán là SMBC (Nhật Bản), cũng chính là đối tác đã mua lại 49% vốn FE Credit với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.
Trước đó, tại cuộc trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư quý III, lãnh đạo VPBank dự kiến có thể hoàn tất kế hoạch này trong quý 1/2022. Nếu phát hành thành công, vốn chủ sở hữu của nhà băng này có thể đạt kỷ lục trên dưới 120.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo VPBank cũng cho hay, thương vụ bán 15% vốn VPBank cho đối tác ngoại cũng sẽ mang về giá trị tương đương thương vụ bán 49% vốn FE Credit.
Mặc dù đang ở đáy 4 tháng song cổ phiếu VPB được nhiều chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán khuyến nghị mua vào vì ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc và triển vọng dài hạn ở mức tốt.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, cổ phiếu ngân hàng đang phải đối diện với một số áp lực như nợ xấu có nguy cơ tăng, giá khôn còn rẻ, phát hành cổ phiếu giấy quá nhiều.
Lãnh đạo SSI cho rằng, cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ tích lũy một thời gian để những yếu tố trên qua đi và những câu chuyện mới xảy ra như tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn, kinh doanh phục hồi, rủi ro nợ xấu thấp đi... Qua đó, định giá của cổ phiếu ngân hàng có thể trở nên tốt hơn, kéo theo dòng tiền quay trở lại nhóm ngành này.
Trong khi đó, bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc Bộ phận phân tích Quỹ đầu tư Dragon Capital cho biết, Quỹ này vẫn nắm giữ rất lớn danh mục cổ phiếu ngân hàng.
Theo bà Dương, nợ xấu ngân hàng không đáng sợ như dự báo. Trong quý IV và năm sau, bà Dương cho rằng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng hồi phục mạnh mẽ. Do đó, Dragon Capital khá tự tin với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sắp tới cho cả quý IV/2021 và năm 2022.