Ngân hàng
VPBank sắp nhận 30.000 tỷ, chốt danh sách chia cổ tức 80% quý III/2021, cổ phiếu tăng vọt
T.L - 13/08/2021 11:38
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP VPBank (HoSE: VPB) cho hay đang hoàn tất thủ tục chia cổ tức tăng vốn, khả năng hoàn tất trong quý III/2021. Cổ phiếu VPBank tăng vọt phiên giao dịch sáng nay (13/8).
VPBank sắp nhận luồng vốn khủng từ các thương vụ bán cổ phần cho đối tác ngoại.

Bất chấp thị trường chứng khoán giảm điểm, trong phiên giao dịch sáng nay (13/8), cổ phiếu VPB tiếp tục tăng mạnh, giao dịch gần 9,5 triệu cổ phiếu. Trong phiên, có lúc cổ phiếu VPB tăng 1,7 điểm, đạt giá cao nhất 63.600 đồng/cổ phiếu.

Thông tin tích cực về các thương vụ bán vốn cho nước ngoài cùng với lộ trình tăng vốn trở thành ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống cùng việc chia cổ tức tỷ lệ 80% khiến cổ phiếu VPB tăng mạnh hai phiên giao dịch gần đây.

Hiện VPBank vẫn chưa công bố thời điểm chốt danh sách chia cổ tức. Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư trong buổi trao đổi hôm qua (12/8), lãnh đạo VPBank cho hay, việc chia cổ tức không phức tạp vì tiền đã có sẵn, chỉ chờ các chức năng phê duyệt.

Hiện ngân hàng đã hoàn thành việc lấy ý kiến cổ đông, đang làm thủ tục xin chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến ngay trong tháng 8/2021. Sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, VPBank sẽ tiến hành thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

“Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán phê duyệt, VPBank sẽ công bố ngày chốt danh sách cổ đông, dự kiến sẽ trong tháng 9/2021. Việc tăng vốn 80% là chắc chắn và sẽ được ngân hàng thực hiện sớm nhất. VPBank sẽ đạt được vốn điều lệ hơn 45.000 tỷ đồng chậm nhất cuối quý III, đầu quý IVnăm nay”, lãnh đạo VPBank cho hay.   

VPBank đang có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ mức 25.300 tỷ đồng hiện nay lên 75.000 tỷ đồng vào đầu năm 2022 từ 3 nguồn chính. Thứ nhất, ngân hàng chuẩn bị thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% tại FE Credit cho đối tác Nhật (SMBC). Thứ hai, phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu giá trị gần 20.000 tỷ đồng từ nguồn cổ tức và thặng dư cổ phần (tương ứng tỷ lệ tổng cộng 80%). Thứ ba, phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.

Lãnh đạo VPBank cho hay, gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ bán 49% vốn cho SMBC (tương đương 30.000 tỷ đồng) sẽ được đối tác thanh toán 90% trong năm 2021, khả năng hoàn thiện thủ tục thanh toán trong tháng 9/2021, phần còn lại trả trong năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa ngân hàng mẹ VPBank sẽ nhận được một khoản tiền lớn.

Theo VPBank, số tiền này sẽ được hạch toán vào khoản thu nhập bất thường của VPBank, được ghi nhận ngay vào lợi nhuận năm 2021, khiến lợi nhuận năm nay sẽ đột ngột nhảy lên rất cao. Đây chính là cơ sở để ngân hàng tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ vào năm 2022.

Về đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, trên thị trường đang rộ lên thông tin SMBC - đối tác mua 49% vốn FE Credit- cũng đang là đối tác đang đàm phán mua 15% vốn ngân hàng mẹ.

Liên quan đến câu hỏi này, lãnh đạo VPBank cho hay, lãnh đạo ngân hàng đang đặt mục tiêu phát triển về quy mô, VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hoặc trong top 3 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất thị trường, từ đó mở rộng thị phần.

“Sau khi nhận đầy đủ khoản tiền bán FE Credit vào tháng 9 tới đây thì VPBank sẽ xúc tiến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong quý IV/2021. SMBC là đối tác mà chúng tôi hết sức quan tâm nhưng quá sớm để nói trước điều gì. Chúng tôi hoàn toàn mở cửa, đón nhận tất cả các nhà đầu tư chiến lược quan tâm. Việc bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng nhận về lượng vốn tương đương hoặc cao hơn khoản tiền bán FE Credit để tăng thêm vốn”, lãnh đạo VPBank cho biết.

Theo dự kiến của lãnh đạo VPBank, nếu “chốt” được thương vụ đàm phán với đối tác chiến lược trong quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022, thì ngân hàng sẽ sớm hoàn tất việc tăng vốn chủ sở hữu lên mức khoảng 120.000 tỷ đồng.  

Kế hoạch tăng vốn thành công sẽ khiến VPBank vươn lên dẫn đầu hệ thống cả về vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, giúp hệ số an toàn vốn CAR của ngân hàng vọt lên 18-20%, là nền tảng để ngân hàng mở rộng hoạt động một cách an toàn. Dĩ nhiên, khi lượng vốn tăng lên, ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ đứng trước sức ép phải sử dụng vốn thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. 

Tin liên quan
Tin khác