Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG cho biết Theo phương án đã được chính phủ phê duyệt thì cơ cấu sau cổ phần hoá tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại VRG vẫn chiếm tỷ lệ chi phối là 75%. Việc bán 25% cổ phần, tương đương 1 tỷ cổ phiếu VRG dự kiến sẽ thu về 13.000 tỷ đồng.
Theo trình tự VRG sẽ thực hiện bán đấu giá công khai trước hơn 475 triệu cổ phiếu, sau đó sẽ tổ chức bán cho người lao động, công đoàn và nhà đầu tư chiến lược.
. |
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết VRG đang hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, với số vốn Nhà nước sau khi định giá lại để cổ phần hóa là khoảng 38.820 tỷ đồng.
Năm 2017, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn tiếp tục khả quan khi hầu hết các chỉ tiêu chính đều vượt kế hoạch đề ra. Tổng tài sản tập đoàn ước đạt 73.000 tỷ đồng, doanh thu hợp nhất khoảng 19.000 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch năm, tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 3.600 tỷ đồng, bằng 118% kế hoạch năm.
Tập đoàn có lợi thế lớn về đất hiện đang quản lý 519.870 ha đất, trong đó đất nông nghiệp chiếm 96,4%. Theo địa lý thì trong đó 71,2% quỹ đất phân bố rộng khắp các tỉnh thành trong nước và 27,8% là đất ở nước ngoài, chủ yếu là Campuchia.
Nếu tính riêng diện tích trồng cao su trong nước thì tập đoàn đang quản lý 1/3 diện tích đất trồng cao su Việt Nam, còn lại là doanh nghiệp và hộ dân nhỏ lẻ.
Tập đoàn là đơn vị đứng đầu trong cả nước về diện tích trồng cao su tự nhiên, ước đến năm 2020 toàn tập đoàn duy trì tổng diện tích trồng cao su khoảng 400.000 hecta và sản lượng khai thác cao su tự nhiên đến năm 2020 ước đạt 410.00 tấn.
VRG hiện có 40 nhà máy và xưởng chế biến cao su, tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến là 354.500 tấn/năm. Bên cạnh việc khai thác mủ thì lợi nhuận từ thanh lý vườn cây già cũng mang lợi khoản lợi nhuận đáng kể cho VRG. Trong năm 2017 thanh lý gỗ đã mang lại cho tập đoàn khoảng 2.600 tỷ đồng.
Ngoài ra, hiên tại tập đoàn đang quản lý 13 khu công nghiệp với tổng diện tích đất có thể cho thuê 6.000 ha, đã cho thuê trên 3.000 ha, hầu hết tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tây Ninh.
Đánh giá về triển vọng của năm 2018, ông Phạm Văn Thành, Thành viên Hội đồng thành viên VRG cho rằng đây là một năm có nhiều tiềm năng phát triển. Trong đó dự báo lĩnh vực kinh doanh chính là cao su tự nhiên sẽ đóng góp 63,2% tổng lợi nhuận trước thuế của VRG.
Sau hơn 5 năm khó khăn, ngành cao su bắt đầu khởi sắc từ năm 2016, nhu cầu tiêu thụ vượt khả năng sản xất hơn 500 ngàn tấn trong năm 2016. Giá cao su đã trên đà hồi phục trong năm 2017, giá cao su bình quân tăng trên 30% so với giá bình quân năm 2016.
Công ty chứng khoán Vietcombank (VBCS) đánh giá VRG là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Việt Nam trong ngành nông – công nghiệp, có nhiều lợi thế cạnh tranh về quỹ đất cũng như rủi ro kinh doanh không quá lớn khi giá cao su được dự báo tích cực. Với triển vọng rõ rang, VBCS khuyến nghị giá trị hợp lý của cổ phiếu VRG ở mức 16.660 đồng/cổ phiếu.