“Những người có chức, có quyền ở PVPLand liều bán giá thấp”
Khai về giao dịch chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Kế toán trưởng Công ty 1/5 nói rằng, bị cáo cũng không nghĩ những người có chức, có quyền ở PVP Land liều bán giá thấp như vậy.
. |
Bị cáo Thoa trình bày: "Bị cáo không tham gia vào việc đàm phán. Tại cuộc họp với cổ đông, bị cáo mới biết hợp đồng đặt cọc với các cổ đông có giá tương đương 52 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, chỉ riêng hợp đồng chuyển nhượng với PVP Land có giá 34 triệu đồng/m2. Bị cáo không nghĩ có một hợp đồng ký giá thấp hơn như thế. Bị cáo cũng không nghĩ những người có chức, có quyền ở PVP Land liều bán giá thấp như vậy. Trong tay ông Bình (bị cáo Lê Hòa Bình – PV) không có hồ sơ pháp lý gì của PVP Land, chưa có nghị quyết. Khi bị cáo hỏi, ông Bình đưa ra sổ đỏ là đất nghĩa trang, dự án có thời hạn 30 năm. Ông Bình cũng nói bị cáo chi ngoài 87 tỷ đồng”, bị cáo Thoa khai.
Bị cáo Thái Kiều Hương (nguyên Phó tổng giám đốc CTCP đầu tư Vietsan – cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương) khai nhận, tại cuộc họp gặp cổ đông ngày 27/3/2010 để ký hợp đồng đặc cọc, Lê Hòa Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty 1/5) chuyển tiền đặt cọc 100 tỷ đồng vào tài khoản treo của Công ty PVP Land.
“Anh Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc PVP Land) nói bị cáo dẫn nhà đầu tư lên gặp anh Trịnh Xuân Thanh để xin cho PVPLand thoái vốn tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Bị cáo hỏi thì anh nói đó là chuyện nội bộ của PVPLand”, bị cáo Hương khai.
Sau đó, Hương gặp Đinh Mạnh Thắng (nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà) để nhờ Thắng nói với Trịnh Xuân Thanh ủng hộ việc PVP Land thoái vốn.
Sau đó Thắng đã thu xếp để Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (người môi giới - PV) gặp Trịnh Xuân Thanh và giới thiệu Duy là nhà đầu tư. Trịnh Xuân Thanh hỏi Duy Công ty 1/5 có năng lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện dự án Nam Đàn Plaza không. Duy nói Công ty đủ năng lực và nhờ Thanh giúp. Cuộc gặp chỉ kéo dài 2 phút.
Bị cáo Hương cũng khai nhận, ngày 29/3/2010, bị cáo chuyển cho Đinh Mạnh Thắng 5 tỷ đồng. Ngày 6/4/2010, Công ty Vietsan tiếp tục nhận 14 tỷ đồng và chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.
“Sang nhượng giá đó là có lãi rồi”
Về chủ trương chuyển nhượng cổ phần, bị cáo Trịnh Xuân Thanh trình bày: Đầu năm 2010, PVP Land được Tập đoàn dầu khí chuyển vốn về PVC. Tại thời điểm đấy, khi anh Phong (Đào Duy Phong – PV) lên báo cáo, đề xuất sang nhượng dự án Nam Đàn, bị cáo mới biết vì PVC chỉ sở hữu 28% vốn điều lệ tại PVP Land. Người đại diện phần vốn là anh Phong, anh Sinh (Nguyễn Ngọc Sinh – PV) phải xin ý kiến của HĐQT.
Bị cáo Thanh có xin ý kiến HĐQT PVC về việc này. Về luật, nếu PVC không đồng ý chuyển nhượng thì khi bỏ phiếu, các cổ đông khác (chiếm 72%) đồng ý thì PVP Land vẫn làm được.
Theo bị cáo Thanh, tờ trình của PVP Land trình bán giá 13.000 đồng/cp. Bị cáo không quan tâm giá trị đất, bị cáo biết khi sang nhượng giá đó là có lãi rồi. Khi được giới thiệu có nhà đầu tư thông qua bị cáo Duy môi giới, bị cáo rất mừng, đồng ý chuyển nhượng và đề nghị để PVC là tổng thầu xây lắp tòa nhà.
Theo Trịnh Xuân Thanh, khi đó, PVP Land không có một đồng nào. Trong các báo cáo PVP Land có nêu giá trị quyền sử đụng đất là 25 triệu USD. Bị cáo còn hỏi có dựa trên căn cứ nào không? Bị cáo không quan tâm con số đấy vì bị PVP Land không có một đồng nào, chỉ là con số nhảy múa, không phải con số thật. PVP Land không có tiền, rất khó khăn, không thể làm dự án nên phải tái cơ cấu chuyển về PVC.
Với giá này dự án lãi 30 tỷ đồng, tại thời điểm thị trường bất động sản lao dốc, nếu bán giá đó gần như không tưởng, thấy có lãi bị cáo đồng ý ngay.
HĐXX đã công bố lời khai của Lê Hòa Bình: "Khoảng 10/3/2010, tôi và chị Thoa gặp, quen biết Huỳnh Nguyễn Quốc Duy. Duy hứa giúp chúng tôi mua dự án và thông báo 60 triệu đồng/m2, tôi đồng ý luôn và đến gặp các cổ đông, chốt giá 52 triệu đồng... Với cổ phần thuộc sở hữu của PVP Land, yêu cầu ký giá chênh lệch để chi cho các sếp mới mua được dự án này".