Điểm nóng
Vụ bán rẻ 32 ha đất công: Cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận kêu oan
Việt Dũng - 11/10/2022 16:39
Ông Trần Công Thiện (cựu Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) kêu oan và cho rằng, bản thân không phạm tội quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ngày 11/10, tại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015 - 2020) cùng các đồng phạm liên quan đến sai phạm bán rẻ 2 dự án: khu dân cư Phước Kiển (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) và Ven Sông (phường Tân Phong, quận 7), gây thiệt hại cho nhà nước hơn 735 tỷ đồng, bị cáo Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) kêu oan.

Cụ thể, bị cáo Thiện cho rằng, bản thân không phạm tội quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Bởi nguồn vốn của Công ty Tân Thuận là tài sản thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.HCM, thuộc quyền định đoạt của Đảng bộ Thành phố theo Luật Dân sự.

Bị cáo cũng bày tỏ sự hối tiếc vì không ai khuyến cáo khi chuyển nhượng dự án phải thực hiện theo quy định quản lý vốn nhà nước. Hơn nữa, thời gian ông làm tổng giám đốc Công ty Tân Thuận, vốn của Công ty Tân Thuận được bảo toàn và phát triển tăng so với trước đây.

Bị cáo Trần Công Thiện, cựu tổng giám đốc Công ty Tân Thuận tại tòa


Phản bác lại những ý kiến của bị cáo, đại diện Viện KSND TP.HCM cho rằng, Dự án khu dân cư Phước Kiển, khu dân cư Ven Sông có giá trị hơn rất nhiều so với giá mà bị cáo đã chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Viện kiểm sát phân tích không phải tài sản 10 đồng mà chỉ bán 3 đồng với lý do ngày xưa mua giá 1 đồng, giờ lời 2 đồng là đã bảo toàn, phát triển vốn. “Bảo toàn, phát triển vốn là phải đúng giá trị thực của các tài sản mà công ty đang quản lý, sử dụng, sở hữu”, đại diện VKS nhấn mạnh.

Đại diện viện kiểm sát cũng cho rằng, tài sản của Đảng bộ TP.HCM cũng là tài sản nhà nước. Do vậy, khi doanh nghiệp quản lý, sử dụng các tài sản đó, ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai còn phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo cáo trạng, Công ty Tân Thuận là công ty có vốn Nhà nước. Tháng 11/2000, công ty này được UBND huyện Nhà Bè (TP.HCM) giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng dự án Phước Kiển, được Văn phòng Thành ủy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tháng 8/2016, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai có văn bản đề nghị hợp tác đầu tư với tỷ lệ 75/25 hoặc xin nhận chuyển nhượng 100% dự án Phước Kiển. 

Thời điểm này, ông Trần Công Thiện (Tổng giám đốc Công ty Tân Thuận) đã chỉ đạo cấp dưới thuê Công ty Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM ban hành chứng thư thẩm định giá xác định diện tích 32 ha đất tại dự án trên có giá bình quân là hơn một triệu đồng/m2.

Hội đồng xây dựng giá bất động sản kinh doanh của Công ty Tân Thuận sau đó họp và chỉ căn cứ duy nhất vào giá trong chứng thư thẩm định giá (1,25 triệu đồng/m2) để xây dựng đơn giá chuyển nhượng.

Tháng 6/2017, Công ty Tân Thuận đã chuyển nhượng 32 ha đất Phước Kiển cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1,29 triệu đồng/m2, nhận 374 tỷ đồng, tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng. 

Sau đó, hợp đồng bị hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã trả lại cho Công ty Quốc Cường Gia Lai 374 tỷ đồng, 23 tỷ đồng tiền thuế VAT và 21 tỷ đồng tiền lãi, gây thiệt hại 202 tỷ đồng của Nhà nước.

Đối với 32.967 m2 đất thuộc Khu IV - dự án Khu dân cư Ven Sông tại phường Tân Phong (quận 7), Công ty Tân Thuận cũng căn cứ vào chứng thư thẩm định giá của Công ty Thương Tín trong đó xác định giá trị bình quân khu đất này là hơn 17,6 triệu đồng/m2.

Ngày 28/11/2017, Công ty Tân Thuận chuyển nhượng toàn bộ khu đất này cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 20 triệu đồng/m2, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 283 tỷ đồng. Tổng thiệt hại vụ án này là hơn 532 tỷ đồng.

Tin liên quan
Tin khác