Khu đất của bà Nguyễn Thị Mai mua tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh đã bị chủ đầu tư bán trộm cho người khác. |
Hàng loạt người dân tố cáo có chứng lý
Liên quan vụ việc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải đã bán trộm một nền đất cho nhiều người tại Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh quận Thủ Đức TP.HCM, từ cuối tháng 9 đến cuối năm 2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức đã vào cuộc tìm hiểu, điều tra. Hàng loạt nạn nhân đã được mời lên làm việc, cung cấp hồ sơ liên quan và được cơ quan công an ghi nhận là chứng lý có cơ sở.
Điển hình, ông Nguyễn Quốc Đạt (ngụ quận Bình Thạnh) đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy, ông Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải) đã bán lô đất số 25 tại dự án trên cho ông Đạt từ năm 2014, nhưng sau đó lại bán cho ông Dương Nghĩa Trung với giá hơn 327 triệu đồng. Ông Trường đã có văn bản thừa nhận việc làm sai của mình.
Tương tự, với việc bán trộm lô đất gần 180 m2 của bà Nguyễn Thị Mai cho bà Bồ Thanh Phương vào năm 2018 và bà Phương lại đem thế chấp ngân hàng vay 8 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải có văn bản xác nhận sai và hứa sẽ trả mọi khoản vay liên quan đến ngân hàng và làm thủ tục sang tên lại cho bà Mai. Tuy nhiên, tới giờ, mọi cam kết vẫn chưa được thực hiện.
Hoặc vợ chồng ông Lê Kim Biên - Phạm Thị Hồng Phượng cùng tố cáo Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải và Công ty cổ phần ANI (hợp tác kinh doanh) đã chuyển nhượng lô đất số 26, lô D do ông bà mua năm 2005 cho ông Nguyễn Văn Minh với giá hơn 400 triệu đồng.
Trường hợp khác, sau khi mua 210 m2 đất nền tại đây, từ năm 2012, ông Lê Bá Nhật Quyền đã xây nhà và ở từ đó đến nay. Giữa tháng 11/2019, ông bất ngờ nhận được giấy triệu tập của Tòa án Nhân dân quận 2 với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam kiện Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Song Hoa, Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải và bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Theo đó, ngân hàng yêu cầu Tòa án buộc Công ty Song Hoa trả nợ gần 70 tỷ đồng… Nếu Công ty Song Hoa không trả được nợ, thì yêu cầu tòa án phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất hơn 2.500 m2 (trong đó có thửa đất mà ông Quyền đã xây nhà và đang ở).
Đến lúc đó, ông Quyền mới hay, phía Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải đã ủy quyền cho bà Huyền được thế chấp, chuyển nhượng một số lô đất, trong đó có lô đất của ông. Bà Huyền đã đem thế chấp để bảo lãnh cho Công ty Song Hoa vay tiền ngân hàng.
Sai phạm đặc biệt nghiêm trọng
Liên quan vụ việc, sau khi báo chí lên tiếng, cùng tố cáo dân và chỉ đạo của lãnh đạo UBND quận Thủ Đức, Công an quận Thủ Đức đã vào cuộc điều tra, xác minh.
Theo Công an quận Thủ Đức, Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh được cơ quan chức năng TP.HCM phê duyệt vào năm 2001 cho Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng K&N (sau này đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải) làm chủ đầu tư. Tiếp đó, Công ty K&N và Chi nhánh Tổng công ty Sông Đà tại TP.HCM (nay là Công ty cổ phần ANI) đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Theo nhận định ban đầu của Công an quận Thủ Đức, Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải và Công ty cổ phần ANI đã bán cho nhiều người cùng một lô đất để chiếm đoạt tài sản. Vụ việc có dấu hiệu tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Đoàn Văn Phê (Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thủ Đức), do tài sản bị chiếm đoạt vượt trên 500 triệu đồng, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, vượt thẩm quyền điều tra của Công an quận Thủ Đức, nên chuyển hồ sơ lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thụ lý.
Trong diễn biến khác, Công ty cổ phần ANI cho rằng, mình cũng là nạn nhân của Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải bởi mang tiếng hợp tác, nhưng sổ đỏ pháp lý vẫn đứng tên chủ đầu tư và Công ty cổ phần Đại Hải trực tiếp bán cả nền mà Công ty cổ phần ANI đã bán cho người khác. Vì thế, Công ty cổ phần ANI cũng đã khởi kiện đối tác ra tòa và kiến nghị ngăn chặn việc chuyển nhượng 18 nền đất trong Dự án.
Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải đã được “mời” lên làm việc với Công an TP.HCM. Liên quan một số vụ cụ thể, như trường hợp chủ đầu tư đã bán trộm nền đất của ông Nguyễn Quốc Đạt cho người khác, ông Trường đã thừa nhận sai với điều tra viên.
Cũng theo nguồn tin trên, những ngày qua, Công an TP.HCM đã mời nhiều người dân bị bán trộm đất ở Khu dân cư Hiệp Bình Chánh lên xác minh điều tra.
Chính quyền “điên đầu” vì lệnh không rõ của Tòa
Liên quan vụ việc trên, UBND quận Thủ Đức đã có Văn bản số 5512 gửi Tòa án Nhân dân TP.HCM và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đề cập thắc mắc về một số vấn đề. Từ đây lại “lòi” ra nhiều điều khó hiểu trong việc cấp sổ đỏ của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.
Cụ thể, qua xác minh, UBND quận Thủ Đức nhận thấy, hai quyết định năm 2019 của Tòa án Nhân dân TP.HCM (Quyết định số 256/2019) và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM (Quyết định số 221) cùng cấm một chủ thể là Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải chuyển dịch sổ đỏ 18 lô đất thuộc Dự án Khu dân cư Hiệp Bình Chánh.
Tuy nhiên, trước đó, năm 2018, nhiều lô đất như D17, D18, D21, P4, P9… trong số 18 lô trên, tuy đã có chủ, nhưng lại được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp sổ đỏ cho người khác (bà Bồ Thanh Phương, bà Đinh Thu Thủy, ông Dương Nghĩa Trung…), căn cứ trên hồ sơ lập của Công ty cổ phần Đầu tư Đại Hải.
Như vậy, theo phân tích của UBND quận Thủ Đức, thì thời gian cấm và đối tượng cấm chuyển dịch theo quyết định của Tòa án Nhân dân TP.HCM và Cục Thi hành án là không rõ ràng với chủ mới hay cũ. Mặt khác, hai quyết định trên chỉ cấm chuyển dịch sổ đỏ, chứ không cấm thay đổi hiện trạng tài sản trên đất.
Điều này dẫn tới thực tế là chính quyền cấp giấy phép xây dựng cho chủ mới, gây nên tranh chấp, thậm chí căng thẳng giữa người tố cáo bị bán trộm đất và người đã mua phải đất bán trộm. Cụ thể, ngày 16/10/2019, Phó chủ tịch UBND quận Thủ Đức Trần Văn Dũng đã ký cấp Giấy phép xây dựng số 2415 cho ông bà Đinh Khắc Hành - Nguyễn Thị Huệ để xây nhà trên mảnh đất đang tranh chấp với ông Vũ Nam Bắc.
Từ khúc mắc đó, UBND quận Thủ Đức kiến nghị Tòa án Nhân dân TP.HCM và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM giải đáp để địa phương có cơ sở thực hiện, như có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc tạm dừng đăng ký chuyển quyền sở hữu, kể cả các chủ sở hữu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp sổ đỏ năm 2018 hoặc mới nhất hay không; có áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về tạm dừng thay đổi hiện trạng tài sản, tức giữ nguyên hiện trạng, ngưng cấp phép xây dựng và thu hồi các giấy phép xây dựng đã cấp sau khi quyết định cấm của Tòa án Nhân dân TP.HCM có hiệu lực hay không?
Được biết, chính quyền quận Thủ Đức đã yêu cầu UBND phường Hiệp Bình Chánh phối hợp với Đội Thanh tra trên địa bàn tăng cường kiểm tra xử lý, không để phát sinh công trình xây dựng trong thời gian chờ hướng dẫn của Tòa án Nhân dân TP.HCM và Cục Thi hành án dân sự TP.HCM.