Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (áo đen) chỉ đạo trực tiếp tại các lồng bè nuôi thủy sản ở Hà Tĩnh |
Phải tìm nguyên nhân cá chết nhanh nhất
Sáng ngày 24/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đoàn công tác trung ương về Hà Tĩnh để trực tiếp đưa ra chỉ đạo tại hiện trường vùng nuôi cá lồng bè thuộc xã Kỳ Hà, Công ty tôm công nghiệp Grobest (xã Kỳ Nam, TX. Kỳ Anh), nơi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt đầu tiên tại tỉnh Hà Tĩnh.
Phó Thủ tướng có mặt tại hồ nuôi thủy sản của anh Nguyễn Quang Sâm và Nguyễn Khắc Bắc (đều thuộc thôn Tây Hà, xã Kỳ Hà, TX.Kỳ Anh). Tại đây, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ rất chia sẻ với các ngư dân bị thiệt hại do cá chết bất thường. Tuy nhiên, bà con cũng cần bình tĩnh, không hoang mang trước sự việc.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo địa phương có buổi thị sát khu vực lồng bè có cá chết bất thường. |
Theo anh Nguyễn Khắc Bắc, cá lồng bè bị chết bất thường từ ngày 6/4, trong thời điểm nước thủy triều dâng cao. Sau đó, anh Bắc vớt một lượng cá nhỏ bỏ vào tủ lạnh, đồng thời báo cáo lên chính quyền. Sau đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo tuyệt đối không ăn cá đã chết khi chưa rõ nguyên nhân nên anh cho bà con khác để làm thức ăn cho lợn. "Sau 10 ngày, tôi có thả một lứa cá mới nhưng đến nay chưa thấy hiện tượng bất thường" - anh Bắc nói.
Ngay sau khi thị sát nhiều nơi, lắng nghe nhân dân chia sẻ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT phải xác minh sớm nguyên nhân chính khiến cá chết. Cơ quan quản lý và môi trường phải khẩn trương tìm hiểu nguyên nhân nhưng phải đúng khoa học.
"Nếu việc tìm ra nguyên nhân quá khó khăn, chuyên môn có hạn thì buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài. Cuối cùng phải tìm ra chính xác nguyên nhân cá chết. Đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải cam kết nuôi trồng thủy sản an toàn, không thải chất bẩn ra ngoài môi trường’’ – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước việc dư luận nghi ngờ ống xả thải từ Formosa khiến cá chết, Phó Thủ tướng cho hay: "Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phải tìm ra được nguyên nhân, nhưng phải thận trọng, khoa học và sớm nhất. Xác định ai vi phạm luật bảo vệ môi trường, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân đều phải xử lý nghiêm. Không loại trừ một ai!’’.
Không loại trừ có kẻ phá hoại
Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Chính phủ tiếp tục làm việc với các Bộ ngành liên quan tại TX. Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để nghe báo cáo, trình bày về hiện tượng cá chết và các yếu tố liên quan khiến cá chết bất thường.
Theo báo cáo, việc cá chết ở Hà Tĩnh gây thiệt hại hơn 4,7 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động ngư trường, kinh doanh buôn bán thủy hải sản, hoạt động du lịch vùng biển.
Trước thực trạng này, phía Chính phủ yêu cầu các tỉnh liên quan cần hướng dẫn ngư dân tiếp tục sản xuất, thống kê thiệt hại, tổng hợp để báo cáo Chính phủ sớm nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, việc bây giờ chúng ta phải làm là xác định được trong nước biển có độc tố liên quan đến đơn vị A, B, C hay thậm chí có kẻ phá hoại... Cái này là điều cốt lõi. Vấn đề này nếu các Bộ, ngành liên quan không làm được thì buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài.
Có thể buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài kiểm định độc tố trong nước biển khiến cá chết. |
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề cập đến hệ thống quan trắc của các nhà máy, cơ sở sản xuất của 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã đầy đủ chưa, đã kiểm tra thường xuyên, cung cấp số liệu chính xác chưa...
Trong khi đó Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng, Bộ đã làm việc với chuyên gia nước ngoài nhưng do độc tố ảnh hưởng nhiều tỉnh nên rất khó và phải có thời gian. Chiều mai (25/4) Bộ TN&MT có buổi làm việc với các chuyên gia để khẳng định có xác định được rõ hay không. Còn về hệ thống quan trắc, mỗi tỉnh có một trạm nhưng để đủ điều kiện để xác định hết thì thực sự rất khó. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với mạng lưới môi trường biển Quốc tế để tìm nguyên nhân.
"Hiện tượng cá chết trên diện rộng tại vùng biển, lồng bè từ các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế rất được dư luận quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng rất quyết liệt, yêu cầu chúng tôi làm đến nơi đến chốn. Nói như vậy để thấy rằng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân’’ – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan như Bộ NN&PTNT, các cơ quan quản lý về môi trường, Cảnh sát môi trường, Bộ KH-CN khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân cá chết trên cơ sở khoa học, không cảm tính, thận trọng nhưng phải nhanh. Chúng ta không loại trừ nguyên nhân do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chủ động xả nước thải, khí thải ra môi trường.
Danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để súc rửa đường ống |
Gần đây Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhập 297 tấn hóa chất để xử lý đường ống. Trong đó có 45 loại hóa chất mà Formosa nhập về là để xử lý chất thải, súc rửa đường ống. Các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy...
Đại diện công ty cũng xác nhận việc này nhưng vẫn khẳng định đây không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết vì các số liệu tại trạm quan trắc tự động thể hiện điều này an toàn.