Kẽ hở
Ngày mai (16/7), TAND tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự đối với Nguyễn Thị Lam (31 tuổi), trú tại xã Yên Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, là nhân viên phòng giao dịch của ngân hàng Eximbank Đô Lương về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án này, có 15 cán bộ, nhân viên ngân hàng Eximbank cũng bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là vụ án hình sự liên quan đến 6 khách hàng tại Phòng Giao dịch Đô Lương, chi nhánh Eximbank Vinh bị "rút ruột" 50 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên Tòa. |
Thừa nhận về "kẽ hở” của phía ngân hàng, bị cáo Đặng Đình Hồng (nguyên GĐ Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương) cho rằng, Bị cáo Nguyễn Thị Lam được đánh giá là nhân viên tận tụy với công việc, trách nhiệm với khách hàng. Tuy nhiên, là người duy nhất mang về chỉ tiêu huy động tín dụng cho phòng giao dịch, Lam được lãnh đạo ưu ái cơ chế đặc thù.
Trả lời câu hỏi của HĐXX trong nhiều ngày tiến hành xét xử vụ án căng thẳng, bị cáo Nguyễn Thị Lam cho biết, bản thân mình không nhớ đã đưa bao nhiêu tờ giấy A5 để trà trộn vào hồ sơ cho khách hàng ký nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình. Bị cáo cũng “né”, không đi thẳng vào câu hỏi của luật sư là cho khách hàng ký khống vào các tờ giấy trắng đó để làm gì.
Các bị cáo là các nhân viên Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương khi được hỏi đều cho biết, do áp lực chỉ tiêu huy động vốn được giao cho phòng giao dịch và do tin tưởng bị cáo Lam nên đã “bỏ qua” một số bước trong quy định về hồ sơ thủ tục để thực hiện các giao dịch rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Bị cáo Lam cũng khẳng định việc trực tiếp làm việc, chi trả tiền gửi tiết kiệm cho khách hàng tại nhà đã được lãnh đạo phòng giao dịch Eximbank Đô Lương cho phép.
Đương sự liên quan thường xuyên vắng mặt
Tại phiên tòa này, HĐXX đã xét hỏi bổ sung một số tình tiết liên quan đến dòng tiền đi sau khi Nguyễn Thị Lam chiếm đoạt từ các khách hàng của mình. Cụ thể, trước đó, Lam khai nhận một phần số tiền 2,6 tỷ đồng dùng để mua đất làm nhà xưởng của ông Nguyễn Văn Long tại xã Nghi Phú, TP.Vinh và số tiền 1,2 tỷ đồng để làm nhà ở vợ chồng Lam ở xã Yên Sơn, huyện Đô Lương. Tuy nhiên, tại phiên tòa này, do ông Long không có mặt nên dòng tiền này chưa được làm rõ.
Đại diện Ngân hàng Eximbank tham gia với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. |
Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị Lam khai nhận đã dùng 2,1 tỷ đồng trong số tiền đã chiếm đoạt để xây nhà cho bố mẹ chồng tại phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ông Lương và bà Yến được triệu tập tới phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, giấy triệu tập của tòa đã không đến được với ông Lương và bà Yến do hai người này đã bán căn nhà tại phường Hưng Dũng để về quê sinh sống.
Đại diện Viện KSND tỉnh Nghệ An giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng sự vắng mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét hỏi, làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Thị Lam. Do vậy, để đảm bảo khách quan, công bằng trong quá trình xét xử, vị kiểm sát viên đề nghị tiếp tục hoãn phiên tòa mà chưa thể tuyên án dù đã kéo dài thời gian nghị án nhiều ngày qua.
Trong một diễn biến khác, qua các lần xét hỏi Nguyễn Thị Lam chỉ khai là đã hoàn trả được cho ông Nguyễn Tiến Nam (khách hàng) 4,7 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được Lam dùng để tiêu xài cá nhân, xây dựng nhà cửa, trả nợ, đầu tư làm ăn nhưng bị thua lỗ… nhưng tất thảy đều chưa đưa ra được con số cố định và chính xác.
Eximbank phát thông báo về quyền lợi khách hàng
Trong bối cảnh này, phía Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã phát đi thông cáo báo chí khẳng định: “Quyền lợi hợp pháp của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của Eximbank. Ngân hàng không bao giờ từ chối trách nhiệm của mình đối với khách hàng. Từ khi vụ việc xảy ra, Eximbank luôn chủ động tìm giải pháp để cùng khách hàng đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý, phù hợp với quy định pháp luật".
Qua vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Phòng Giao dịch Đô Lương, Nghệ An - Eximbank cho biết đã cải tiến các quy trình, quy định liên quan đến tiền gửi tiết kiệm như: thông báo tin nhắn tự động ngay cho khách hàng trong trường hợp số dư tiền gửi thanh toán, tiền gửi tiết kiệm có biến động; khách hàng dễ dàng tự mình kiểm tra số dư tiền gửi bất kỳ thời điểm nào qua việc tra cứu qua Internet Banking, Mobile Banking; xác thực bằng dấu vân tay khi khách hàng ủy quyền việc rút tiền cho người khác,.…
Ngoài ra, Eximbank cũng mong muốn khách hàng không ký khống trước các chứng từ rút tiền và giao cho nhân viên ngân hàng các chứng từ này dưới bất kỳ hình thức nào để tránh rủi ro không đáng có.
Đối với vấn đề hình sự trong vụ án trên, Eximbank cho biết "tôn trọng phán quyết của Toà án liên quan đến các bị cáo trong vụ án".
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết những đề nghị của 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm. Trong khi chờ phán quyết của tòa, Eximbank cũng đã tạm ứng cho hai khách hàng có số tiền gửi lớn nhất, với 32 tỷ đồng. Cụ thể, khách hàng Nguyễn Tiến Nam được tạm ứng số tiền 23 tỷ đồng và Nguyễn Thị Kiều Hương cũng nhận tạm ứng 9,25 tỷ đồng.
Như vậy, vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” làm thất thoát trên 50 tỷ đồng xẩy ra tại Chi nhánh Eximbank (Nghệ An) đã kéo dài trong nhiều tháng qua từ khi cơ quan điều tra thụ lý vụ án cho đến việc phán quyết của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã trải qua 3 lần phải hoãn án, 6 ngày xét xử căng thẳng và kéo dài thời gian nghị án nhưng vẫn có một số tình tiết liên quan đến dòng tiền đi chưa được làm rõ.
HĐXX của TAND tỉnh Nghệ An vẫn phải quyết định kéo dài thêm thời gian nghị án, dự kiến sẽ đưa ra xét xử tiếp vào chiều 16/7, trong trường hợp cần trả hồ sơ điều tra bổ sung, HĐXX sẽ xem xét đến phương án này.