- “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 1: Đại công trường khai thác đất, cát lậu
- “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 2: Biến trạm cân, camera thành vật trang trí
- “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 3: “Bóc mẽ” những bí ẩn ở hồ chứa nước Lộc Đại
- “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 4: Đá, cát tiêu thụ trá hình, trốn xuất hóa đơn
- “Đất sống” của khoáng sản lậu và chiêu bài lách luật - Bài 5: Những lời “thú tội” gây sốc
Sau khi “ăn” no cát (tại mỏ cát thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), khi quay về, đoàn xe “né” trạm cân và camera (khoanh đỏ). |
Camera không đồng bộ với đầu ghi
Công tác quản lý hoạt động hệ thống giám sát camera tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản đất, đá, cát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua được Cục Thuế tỉnh theo dõi dưới 2 hình thức.
Một là giám sát, theo dõi dữ liệu video tại đầu ghi dữ liệu do Cục Thuế tỉnh đã đầu tư theo nguồn vốn ngân sách.
Hai là theo dõi, giám sát các camera do đơn vị khoáng sản cung cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết, thực trạng quản lý và theo dõi đang rất bất cập.
Hầu hết camera của đơn vị khai thác khoáng sản cung cấp không đồng bộ với đầu ghi, nên không tương thích việc lưu trữ dữ liệu tự động về đầu ghi tại Cục Thuế.
Các camera mà doanh nghiệp trang bị được lưu trữ trên thẻ nhớ, xem trực tiếp trên thiết bị di động không được lưu trữ ra ổ đĩa, nên thời gian lưu trữ dữ liệu khá ít.
“Công tác theo dõi, quản lý dữ liệu video từ camera theo hình thức thủ công, nhận dạng phương tiện ra vào trạm cân, đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác bằng hình thức quan sát mắt thường, chưa có phương án nhận dạng, lưu trữ biển số xe tự động. Có trường hợp camera không kết nối với trạm cân, vị trí lắp đặt camera không phù hợp; có trường hợp hư hỏng không kiểm soát được”, ông Tiếp chỉ ra thực trạng.
Theo ông Tiếp, tại tất cả các mỏ cát, bến bãi tập kết cát đều lắp đặt hệ thống camera giám sát, nhưng thẻ nhớ các camera chỉ lưu trữ tối đa 20 ngày… quá thời gian này, hình ảnh sẽ lưu đè lên nhau, làm mất dữ liệu hình ảnh trước đó.
“Hình ảnh ghi lại qua camera không chứng minh được trữ lượng khai thác thực tế tại các mỏ, nếu mà người ta muốn gian dối, thì có rất nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng”, ông Tiếp cho hay.
Một vấn đề nữa, theo ông Tiếp, hiện nay, pháp luật không quy định rõ ràng vị trí lắp đặt trạm cân, camera, nên doanh nghiệp muốn lắp ở đâu thì lắp. Điều này dẫn đến hiện tượng một số doanh nghiệp lắp camera ở những vị trí khó quan sát, hòng che giấu các hành vi bất chính.
Theo phân tích của một cán bộ Cục Thuế Quảng Nam, đặc điểm của lòng sông Vu Gia là khu vực nào bị hút cát, sau một trận mưa lớn là cát lại được lấp đầy vào khu vực đã hút.
“Nói như thế để biết, dù có cấp phép vị trí và mốc giới cấp phép như thế, nhưng cát ở ngoài vẫn chảy vào trong lòng mỏ. Vấn đề cần phải làm rõ là, khối lượng cát này có được coi là hợp pháp hay doanh nghiệp cứ vô tư khai thác khối lượng cát nằm ngoài phạm vi cấp phép mỏ”, vị cán bộ này nói.
Tăng mức xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe
Chế tài xử phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản “chui”, khai thác vượt công suất, khai thác ngoài mốc giới, trốn thuế tài nguyên… hiện nay có đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm hay không? Hay là mức phạt này quá nhẹ đối với doanh nghiệp vi phạm?
Trả lời những câu hỏi này, luật sư Nguyễn Sương (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) cho biết, theo quy định tại Nghị định 36/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, thì tùy vào tính chất, mức độ của mỗi hành vi vi phạm sẽ có mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau.
Mặc dù Nghị định đã tăng mức xử phạt so với trước đây, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, vì là khai thác khoáng sản “chui”, nên cơ quan có thẩm quyền rất khó khăn trong việc xác định được số lợi bất hợp pháp có được từ việc khai thác này để truy thu thuế cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức khi có dấu hiệu của “Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại Điều 227, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.
Luật sư Nguyễn Sương cũng cho rằng, ý thức và trách nhiệm của người dân, cá nhân, tổ chức kinh doanh, khai thác khoáng sản là mấu chốt để bảo vệ nguồn tài nguyên kháng sản.
Do đó, cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền định kỳ, thường xuyên bằng nhiều hình thức như trên báo chí, truyền thông, lưu động, phát tờ rơi, hội thảo, phát sổ tay… để tuyên truyền cho cá nhân, tổ chức khai thác khoảng sản, cho người dân ở các địa phương có khoáng sản nắm rõ quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản, các hành vi được làm và không được làm cũng như chế tài đối với hành vi vi phạm nhằm nâng cao ý thức chấp pháp luật về khai thác khoáng sản.
Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành các chính sách khen thưởng đối với người dân phát hiện, tố giác, trình báo hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản để động viên người dân phối hợp với cơ quan chức năng xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương nơi có khoáng sản cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản; xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản khi xảy ra thất thoát; tăng mức xử phạt cả về hành chính và trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép cũng như các cơ sở chế biến, kinh doanh, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Trong khi đó, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc quy định xử phạt đối với hành vi khai thác vượt công suất còn bất cập trong thực tiễn. Đó là, công suất khai thác quy định trong Giấy phép là công suất chung toàn đời mỏ. Tuy nhiên, trong thực tế vì nhu cầu, giá cả hàng năm thay đổi theo thị trường, việc khai thác vượt công suất làm tăng năng suất lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước, trong khi toàn bộ trữ lượng mỏ cấp cho doanh nghiệp đã được thực hiện nộp thuế, phí, tiền cấp quyền đầy đủ.
Quy định về xử lý vi phạm hành chính và quy định về xử lý hình sự trong lĩnh vực khoáng sản còn một số tồn tại liên quan đến việc xác định hành vi, mức độ vi phạm chưa rõ ranh giới giữa xử lý vi phạm hành chính với xử lý vi phạm hình sự, nên dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, với một quy trình cụ thể về giám sát sản lượng khoáng sản khai thác các doanh nghiệp qua hệ thống camera giám sát tại trạm cân và vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác 24/24 giờ các ngày trong năm, cũng như giám sát theo dõi nhận diện biển số xe, đếm phương tiện ra vào, ông Nguyễn Văn Tiếp, Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho rằng, cần theo dõi, lưu trữ video theo cơ chế tự động tập trung tại hệ thống máy chủ chuyên biệt và vận dụng công nghệ AI để phân tích tự động nhận dạng các phương tiện để đối chiếu sản lượng khai thác thực tế so với tình hình kê khai của doanh nghiệp với cơ quan chức năng.
Hiện nay, các mô hình quản lý giám sát camera trong thực tiễn, như giám sát giao thông, camera giám sát an ninh địa phương… theo dõi, xử lý hình ảnh, phân tích nhận dạng video bằng công nghệ AI được áp dụng rộng rãi, cải tiến hơn. Trên cơ sở bản thuyết minh giải pháp kỹ thuật của VNPT nhận thấy, đây là nhà đầu tư cung cấp các dịch vụ có đủ năng lực, công nghệ, con người, giải pháp kỹ thuật về hạ tầng, hệ thống lưu trữ đảm bảo để kết nối truyền dẫn tín hiệu dữ liệu, có thể đếm tự động hình ảnh sắc nét và chịu trách nhiệm giám sát về mặt kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu quản lý theo quy định cơ quan quản lý nhà nước.
Từ đó, Cục Thuế đề xuất UBND tỉnh xem xét quy trình giải pháp kỹ thuật giám sát phương tiện vào ra khai thác khoáng sản của VNPT, để đầu tư giải pháp kỹ thuật, quản lý hữu hiệu giám sát chặt chẽ trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến phục vụ truyền nhận, chuyển dữ liệu của các cơ quan chức năng một cách hợp lý, đảm bảo hiệu quả, chống thất thu thuế.