Đầu tư
Vụ đấu thầu sai luật tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM: “Chìm xuồng” do nhờn luật pháp?
Ngọc Tuấn - 11/12/2017 09:05
Bất chấp ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, việc xử lý vi phạm trong công tác đấu thầu hệ thống xạ trị Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang dần trôi vào quên lãng.
TIN LIÊN QUAN

Phớt lờ vi phạm

Gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Mục tiêu gói thầu trên là mua sắm, lắp đặt 2 hệ thống máy xạ trị gia tốc tuyến tính tiên tiến và các thiết bị phụ trợ. Gói thầu được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, với giá dự toán là 240 tỷ đồng

Ngày 17/4/2017, chủ đầu tư thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Không đồng tình với kết quả chấm thầu, nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Mỹ gửi đơn kiến nghị tới nhiều cơ quan liên quan. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh, kiểm tra gói thầu.

Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã cho phép nhà thầu lắp đặt thiết bị hệ thống máy xạ trị gia tốc. Ảnh: Ngọc Tuấn

Sau quá trình tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế, ngày 12/10/2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 10854/VPCP - V.I gửi UBND TP.HCM.

Tại văn bản này, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đồng ý với kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế về vi phạm hồ sơ mời thầu của Bệnh viện Ung bướu liên quan đến việc đấu thầu gói thầu trên. Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo xử lý vi phạm nêu trên theo Điều 17, Luật Đấu thầu năm 2013 và lưu ý tổ chức đấu thầu gói thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Cần phải nhắc lại rằng, Điều 17, Luật Đấu thầu quy định về các trường hợp huỷ thầu. Theo đó, cụ thể tại Điểm 3 quy định huỷ thầu khi “Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án”.

Cũng tại Văn bản 10854/VPCP - V.I, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UDND TP.HCM chỉ đạo Bệnh viện Ung bướu thực hiện nghiêm túc kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế  để tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng pháp luật về đấu thầu; đồng thời xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân liên quan. Tuy nhiên, phớt lờ những chỉ đạo trên, chủ đầu tư vẫn tiến hành các bước thương thảo, ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D và nhà thầu này đã tiến hành lắp đặt các thiết bị máy móc của Hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh.

Xung quanh vụ việc này, Báo Đầu tư đã có bài viết “Nghi vấn đẽo chân vừa giày sắp sáng tỏ” phản ánh nghi vấn sửa hồ sơ mời thầu. Theo đó, bên mời thầu lần lượt gia hạn, điều chỉnh hồ sơ mời thầu tới 5 lần. Đặc biệt, trong lần điều chỉnh ngày 15/3/2017 theo Quyết định 523/QĐ - BVUB, hồ sơ mời thầu được điều chỉnh 2 nội dung chính yếu là tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm và tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ nhà thầu Việt Mỹ.

Thứ nhất, điều chỉnh về tiêu chuẩn đánh giá năng lực kinh nghiệm, hồ sơ mời thầu phát hành lần đầu quy định: “Số lượng tối thiểu các hợp đồng cung cấp mà nhà thầu đã hoàn thành toàn bộ, hoặc hoàn thành phần lớn với tư cách là nhà thầu chính từ thời điểm năm 2013 trở lại đây; nhà thầu có lớn hơn (hoặc bằng) 01 hợp đồng cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị có giá trị tối thiểu là 150 tỷ đồng”.

Tuy nhiên, ngày 15/3/2017, hồ sơ mời thầu được điều chỉnh tăng thêm 1 hợp đồng, giữ nguyên giá trị 150 tỷ đồng. Ngoài ra, tiêu chí “nhà thầu phải thực hiện toàn bộ, hoặc phần lớn” được thay bằng “nhà thầu đã hoặc đang thực hiện”;

Thứ hai, bên mời thầu điều chỉnh một số tiêu chí kỹ thuật quan trọng không được đưa vào barem chấm điểm, có tiêu chí quan trọng lại bị áp điểm đánh giá thấp. Ngoài ra, 6 tiêu chí quan trọng đã bị bên mời thầu “quên” không đưa vào thang chấm điểm, có tiêu chí bị đánh giá thấp và hạ “chuẩn” để nhiều nhà thầu đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, còn có ý kiến cho rằng, bên mời thầu đã điều chỉnh hồ sơ để “quan trọng hoá” tiêu chí không quyết định hiệu quả trong điều trị, nhằm định hướng cho nhà thầu chào máy gia tốc nhãn hiệu Varian.

Theo nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Mỹ, việc sửa đề bài thầu và chỉnh barem chấm điểm đã tạo ra sự không công bằng trong quá trình lựa chọn nhà thầu.

Lãnh đạo TP.HCM nét tránh hay không biết sự việc?

Nhìn vào quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại của nhà thầu Việt Mỹ, có thể nhận thấy, sự thận trọng cảu Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, khi xác định đây là gói thầu có giá trị lớn, có tính chất phức tạp và ý nghĩa quan trọng của nó.

Có thể thấy, Báo cáo số 448/BKHĐT - QLĐT ngày 13/7/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Báo cáo số 135/BYT - KHTC ngày 10/8/2017 của Bộ Y tế đã bao quát được nội dung khiếu nại và chỉ ra những sai phạm rất cụ thể. Hơn thế, các văn bản trên đã kiến nghị các biện pháp xử lý theo đúng pháp luật đấu thầu. Song rất tiếc, những ý kiến đó đã không được UBND TP.HCM tuân thủ. Việc không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng và các bộ chuyên ngành đã kéo theo nhiều hệ luỵ không hề nhỏ trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, chuyện dung dưỡng sai phạm dẫn tới việc lựa chọn nhà thầu không chính xác.

Dấu hỏi về năng lực thực sự nhà thầu thắng thầu, Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D và chất lượng thiết bị do nhà thầu này cung cấp, lắp đặt có đáp ứng yêu cầu về chất lượng hay không? Việc trả lời chính xác cho những câu hỏi vừa nêu, sẽ xác định được mục tiêu đặt ra cho cuộc thầu có đạt được hay không. Đặc biệt, bên cạnh việc đảm bảo tính công bằng, minh bạch cuộc thầu này sẽ đảm bảo tiết kiệm cho ngân sách bằng tính cạnh tranh. 

Thứ hai, diễn biến đáng lưu tâm là, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu khẳng định với báo giới rằng, chưa nhận được bất kỳ chỉ đạo nào về việc ngừng thực hiện gói thầu. Nếu thông tin của lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TP.HCM xác thực, thì việc tổ chức thực hiện chỉ đạo xử lý vi phạm đã tắc ở cấp nào?  

Cần thông tin thêm, hai năm trở lại đây, TP.HCM để xảy ra nhiều vi phạm trong công tác đấu thầu ở các dự án đầu tư trọng điểm thuộc ngành y tế. Có thể kể ra như Dự án San lấp mặt bằng Bệnh viện Nhi đồng; Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi đồng; Dự án Xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu... Các vi phạm tại những dự án nêu trên đã từng được Thanh tra Bộ Xây dựng điểm mặt. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, thì thông tin việc xử lý hậu kết luận “rất kín” và có lẽ vì thế, sai phạm vẫn không có dấu hiệu ngừng lại.

Trở lại những quy định xử lý về vi phạm đấu thầu. Điểm 3, Điều 90 Luật Đấu thầu 2013 quy định thẩm quyền quyết định xử lý là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong trường hợp của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, thẩm quyền xử lý thuộc Chủ tịch UBND TP.HCM. Vấn đề ở đây là, vì sao không “tuýt còi” các hành vi sai phạm đấu thầu tại Bệnh viện Ung bướu?

Vừa qua, ngày 1/12/2017, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ban hành Văn bản số 12914/VPCB - V.I, với nội dung yêu cầu Bộ Y tế và UBND TP.HCM thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tại Văn bản 10854/VPCP - V.I .

Cần phải nhắc lại rằng, Báo Đầu tư đã từng gửi văn bản đề nghị người có trách nhiệm của Thành phố  phát ngôn quan điểm, song chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận.

Tin liên quan
Tin khác