Ngày 16/11, Tòa án nhân dân TP.HCM mở phiên xử sơ thẩm bà Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM và cùng đồng phạm thiếu trách nhiệm trong vụ hoán đổi khu "đất vàng” số 57 Cao Thắng (quận 3) lấy trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, số 185 Hai Bà Trưng (quận 3), gây thiệt hại cho nhà nước 186 tỷ đồng.
Sau phần thủ tục phiên tòa và công bố cáo trạng, Hội đồng xét xử tiếp tục với phần xét hỏi.
Là người đầu tiên trả lời thẩm vấn, bị cáo Diệp cho rằng, sau khi nghe đọc cáo trạng, bà không hiểu cáo trạng viết gì vì các nội dung liên quan đến hồ sơ vay đều là giả mạo từ con số đến các văn bản. Đồng thời bà Diệp tiếp tục khẳng định không thế chấp đất 57 Cao Thắng.
Bị cáo Diệp cho biết, cơ quan tiến hành tố tụng có hơn 5.000 bút lục để bắt bị cáo, nhưng bị cáo chỉ có 18 bút lục để chứng minh hợp đồng 2616 (hợp đồng tín dụng với Agribank TP.HCM vào ngày 31/12/2008) đã bị đánh tráo tại trang nghĩa vụ đảm bảo. Bị cáo không thế chấp tài sản 57 Cao Thắng để vay 8.700 lượng vàng SJC của Agribank TP.HCM.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài (giữa) và Dương Thị Bạch Diệp tại phòng xét xử ngày 16/11. |
Bị cáo Diệp dẫn chứng, nếu bà có vay tiền thì hồ sơ vay phải thể hiện mục đích vay để làm gì. Quy định của ngân hàng là mỗi hồ sơ vay đều phải thể hiện mục đích vay để ngân hàng còn theo dõi, giám sát xem người vay có thực hiện đúng mục đích vay vốn không.
"Cáo trạng cho rằng, Công ty Diệp Bạch Dương mua chuộc Trung tâm Ca nhạc nhẹ, tuy nhiên, nhà 185 Hai Bà Trưng lúc đó 50.000 đồng không ai mua, tôi mua chỉ vì tôi cần mặt bằng", bị cáo Diệp trình bày.
Tuy nhiên, những nội dung này thẩm phán cho rằng, bị cáo Diệp đã trình bày trong phiên tòa trước, do đó thẩm phán yêu cầu các luật sư tư vấn về pháp lý cho bị cáo.
Đối với bị cáo Nguyễn Thành Tài, ông cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, dù không phải là Phó chủ tịch phụ trách xử lý tài sản nhà nước, nhưng vì là Phó chủ tịch thường trực nên tham gia.
“Trong một cuộc họp, được Vy Nhật Tảo trình bày việc hoán đổi tài sản liên quan, và là người nhận trực tiếp đơn của Công ty Diệp Bạch Dương nên với nghĩa vụ của một Phó chủ tịch thường trực, tôi đã báo cáo trực tiếp với anh Hai Quân (nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân). Vì anh Hai Quân là Trưởng ban chỉ đạo 09, khi anh Hai Quân đồng ý, tôi nghĩ việc hoán đổi là đúng”, bị cáo Tài nói.
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thành Tài cũng thừa nhận, đến khi vụ án xảy ra, đọc kết luận điều tra và cáo trạng, bị cáo biết việc hoán đổi tài sản là sai. Bị cáo không thoái thác trách nhiệm nhưng muốn nói mức độ trách nhiệm và hậu quả vụ án không phải từ hành vi của mình.
Cụ thể, bị cáo Tài trình bày, sau khi ông nghỉ hưu 2 năm thì thường trực UBND TP.HCM nhiệm kỳ mới được bầu. Khi đó những người trong thường trực UBND có xem xét lại chủ trương hoán đổi trên cả 3 phương diện: cơ sở pháp luật, điều kiện hoán đổi và phương thức thức hoán đổi do Phó chủ tịch UBND TP.HCM lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Tín, chủ trì với cơ quan chức năng.
Sau đó ông Tín có báo cáo ông Hai Quân, cũng là người thống nhất chủ trương hoán đổi và giao cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Đến 2013, việc hoán đổi tài sản của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp với tài sản nhà nước mới được thực hiện.
Do vậy, bị cáo Tài mong Hội đồng xét xử xem xét mức độ hành vi phạm tội cũng như trách nhiệm của ông trong vụ án này.
"Từ tháng 8/2011, tôi không còn là thành viên ban thường trực, việc chuyển giao nhà đất do các thành viên thường trực đương nhiệm phụ trách. Tôi đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thời điểm đó tôi không nghĩ mình làm sai vì tất cả chỉ đang dừng lại ở chủ trương chứ chưa dịch chuyển tài sản", ông Tài nói.
Theo cáo trạng, bà Diệp dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp khu đất 57 Cao Thắng để làm căn cứ hoán đổi bất động sản 185 Hai Bà Trưng nhưng không bàn giao. Sau đó bà dùng giấy tờ khu đất này thế chấp cho Ngân hàng Agribank TP.HCM vay 21.860 lượng vàng mà không thông báo cho ông Tảo biết.
Khi nhận trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM và giấy tờ, bà Diệp tiếp tục đem thế chấp cho Ngân hàng Phương Nam (đã sáp nhập Sacombank) vay 160 tỷ đồng. Việc này khiến Nhà nước mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng trị giá 352 tỷ đồng.
Lãnh đạo các sở ngành của TP.HCM đã nhiều lần tổ chức họp lấy ý kiến về việc hoán đổi nhà đất với bà Diệp. Bà Diệp vẫn che giấu việc đã thế chấp khu đất 57 Cao Thắng cho ngân hàng, còn phía UBND TP.HCM chưa từng yêu cầu bà này đưa ra bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu khu đất.
Được giao nhiệm vụ xem xét vấn đề này, ngày 5/3/2010, ông Nguyễn Thành Tài ký văn bản gửi các đơn vị liên quan có nội dung chấp thuận cho hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng và 57 Cao Thắng.
Mấy tháng sau, khi UBND TP.HCM đề nghị xác lập quyền sở hữu nhà nước tại địa chỉ 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ sử dụng thời gian lâu dài mới phát hiện tài sản này đã bị bà Diệp thế chấp ngân hàng. Thiệt hại của vụ án được xác định là 186 tỷ đồng.