Đầu tư AI được xem là chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp. |
“Ngôi nhà thứ hai” của NVIDIA
Mới đây, giới công nghệ thế giới hướng về Việt Nam trước những diễn biến xung quanh động thái liên quan chiến lược mở rộng “địa hạt” kinh doanh của Tập đoàn NVIDIA (Mỹ). Và động thái NVIDIA ký thỏa thuận thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam được cho là bước phát triển mang tính đột phá đối với Việt Nam trong kỷ nguyên AI.
Hai cơ sở này được kỳ vọng là nền tảng giúp NVIDIA cùng các đối tác trong nước triển khai AI tiên tiến. Trong đó, Trung tâm Dữ liệu AI do Tập đoàn Viễn thông Quân đội Việt Nam (Viettel) sở hữu và đang dùng công nghệ của NVIDIA. Còn Trung tâm R&D AI sắp được thành lập là “vùng rốn” để đào tạo một số lượng lớn nhà nghiên cứu AI tại Việt Nam. Đây là nơi sẽ tập trung vào phát triển phần mềm, tận dụng nguồn nhân tài kỹ sư công nghệ dồi dào của Việt Nam và thu hút các nhà lãnh đạo ngành, công ty khởi nghiệp, cơ quan chính phủ, trường đại học và sinh viên… để đẩy nhanh quá trình áp dụng AI.
Không chỉ vậy, NVIDIA cũng chốt thương vụ mua lại công ty khởi nghiệp chăm sóc sức khỏe VinBrain (thuộc Vingroup), để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam. NVIDIA cũng đang hợp tác với hơn 100 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong khung khổ chương trình khởi nghiệp, ngoài 65 trường đại học trong nước.
Đặc biệt, NVIDIA và FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để thành lập nhà máy AI Factory với hệ thống siêu máy tính sử dụng GPU H100 dành cho nghiên cứu và phát triển. Nhiệm vụ của nhà máy là tăng cường khả năng nghiên cứu và phát triển AI, từ đó xây dựng các ứng dụng và giải pháp tiên tiến, tập trung vào GenAI, xe tự lái và chuyển đổi xanh.
Được biết, NVIDIA đã cân nhắc các khoản đầu tư vào Việt Nam trong một thời gian. Khi đến thăm Hà Nội vào cuối năm ngoái, CEO NVIDIA cho biết, Tập đoàn cam kết đầu tư và có thể biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai”. Và ông cho rằng, đây là thời điểm lý tưởng để Việt Nam xây dựng tương lai của trí tuệ nhân tạo.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp AI, người đứng đầu NVIDIA đề ra kế hoạch gồm 3 nhiệm vụ chính: xây dựng hạ tầng AI, phát triển nhân tài và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thời điểm này, NVIDIA cũng bắt đầu tuyển dụng kỹ sư, quản lý cấp cao ở Hà Nội, liên quan đến sản xuất, phát triển sản phẩm GPU.
Động thái của NVIDIA có thể hiểu là đang thiết lập văn phòng tại Việt Nam. Không chỉ vậy, NVIDIA vốn là công ty tập trung vào thiết kế chip, chuyên thuê ngoài sản xuất, nên việc tuyển nhiều vị trí liên quan đến nhà máy và sản xuất cho thấy, họ đang đẩy mạnh việc hoạt động tại Việt Nam hoặc các thị trường xung quanh, cần người đủ kinh nghiệm làm cầu nối, giám sát việc thực thi của các bên cung ứng. Trong khi đó, nhà máy AI Factory của NVIDIA và FPT cũng khiến nhu cầu nhân lực AI gia tăng.
Không “bỏng tay” với AI
Công ty nghiên cứu thị trường Gartner cho rằng, AI đứng đầu danh sách xu hướng công nghệ chiến lược vào năm 2025. Nhân sự AI đang trở thành xu hướng tất yếu trong doanh nghiệp, mỗi năm mang đến lợi ích 2 tỷ USD cho các doanh nghiệp toàn cầu.
Tại Việt Nam, nhân sự AI có nhiều tiềm năng để phát triển khi nguồn lực đầu tư cho AI nói chung tăng lên. Dù có nhiều tiềm năng đột phá, nhưng nhân sự AI vẫn gặp nhiều khó khăn khi ứng dụng công nghệ này vào doanh nghiệp quy mô lớn tại Việt Nam.
Những tác động của AI lên chiến lược kinh doanh và nhân sự tại thị trường Việt Nam cũng được TopCV khảo sát và vừa công bố. Kết quả là, 46,25% doanh nghiệp khẳng định tuyển dụng chuyên gia AI và nhân tài số sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong năm 2025 (đồng thời cũng là xu hướng chung trên thế giới).
Đây là tín hiệu cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của các tổ chức hướng tới việc khai thác tiềm năng của AI để tăng cường hiệu quả vận hành và nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, cũng có tới 45,27% doanh nghiệp lại cho thấy sự phân hóa rõ rệt trong tầm nhìn chiến lược khi không đặt ưu tiên cao vào việc tuyển dụng nhóm nhân sự này. Lý do phần lớn do chi phí triển khai và duy trì cao; thiếu nguồn lực và chuyên gia kỹ thuật; khó khăn trong việc tích hợp AI với hệ thống hiện tại.
Bức tranh thị trường tuyển dụng cuối năm 2024 và hướng tới 2025 được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể dưới sự tác động ngày càng lớn của công nghệ, đặc biệt là AI. Theo TopCV, AI không chỉ ảnh hưởng đến cách thức vận hành doanh nghiệp và quy trình thu hút, giữ chân nhân tài, AI còn định hình viễn cảnh mới, nơi người lao động cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển bản thân và nâng cao kỹ năng để bắt kịp làn sóng công nghệ, tránh nguy cơ bị bỏ lại phía sau.
Khảo sát cho thấy, AI đang mang lại những cải thiện đáng kể về hiệu suất công việc đối với phần lớn người lao động, 49,7% đánh giá AI giúp tăng hiệu suất trên 31%. Điều này cho thấy tiềm năng của việc ứng dụng AI trong quy trình làm việc. Tuy nhiên, vẫn còn tới 20,9% người lao động cho rằng, tác động của AI không rõ ràng hoặc không có ảnh hưởng, 26,6% nhận thấy hiệu suất chỉ tăng dưới 30%.
Thay vì xem AI là một mối đe dọa, người lao động cần được định hướng để coi công nghệ này như một đồng minh, một công cụ giúp họ nâng cao năng lực và hiệu quả công việc. Việc chủ động học hỏi, làm quen và áp dụng AI không chỉ giúp họ tránh bị tụt hậu, mà còn mở ra cơ hội tạo dựng giá trị mới trong môi trường lao động hiện đại.
Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Việt Nam sẽ có hàng ngàn nhân sự liên quan đến AI, hàng ngàn mô hình thành thục trong mọi ngóc ngách cuộc sống. Những trợ lý đó có thể giúp hàng triệu người tăng năng suất lao động lên chục lần. Khi đã tự động hóa, trợ lý AI sẽ thực hiện công việc với tốc độ phi nhân bản, nhanh hơn con người rất nhiều lần.
Hiện nhiều người cho rằng, khi có AI làm việc, thì không học công nghệ thông tin nữa. Điều này khiến lượng sinh viên đăng ký học công nghệ thông tin ở các cơ sở giáo dục có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, suy nghĩ đó vô cùng nguy hiểm. Chủ tịch FPT cho rằng, lẽ ra, thị trường phải đi ngược lại. Tức là, khi AI biết lập trình, con người càng phải học nhiều hơn nữa, nhưng không học thuần công nghệ thông tin, mà học công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, bởi trong tương lai đó, con người phải tự thiết kế trợ lý ảo cho mình, chứ không thể chờ đợi ai phục vụ. Việc không học công nghệ thông tin và AI sẽ không đảm bảo công việc trong tương lai.
Theo ông Bình, người Việt nên giỏi AI và không chỉ làm trong nước, mà còn làm cho cả thế giới.
Đại diện TopCV cho rằng, đầu tư vào các công cụ AI và tập trung xây dựng đội ngũ nhân tài số không chỉ là yêu cầu cần thiết, mà còn là chiến lược tạo ra những lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên AI.
Để duy trì và gia tăng giá trị trong môi trường làm việc tương lai, người lao động không chỉ cần giỏi về chuyên môn, mà còn phải trở thành người phù hợp nhất với doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi không ngừng, cùng với tư duy sẵn sàng chuyển mình để đáp ứng các yêu cầu mới.
Trong khi đó, doanh nghiệp cần nhận thức rằng, lợi thế cạnh tranh và sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI không chỉ nằm ở việc ứng dụng công nghệ, mà còn phụ thuộc vào việc sở hữu đội ngũ nhân tài phù hợp.
Trong bối cảnh mới, những nhân tài không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn thành thạo sử dụng và tích hợp AI vào công việc chính là chìa khóa tạo nên sự khác biệt. Đội ngũ này không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, mà còn gia tăng khả năng thích ứng trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường. Họ là nhân tố cốt lõi giúp tổ chức chuyển mình linh hoạt, tận dụng tối đa cơ hội từ AI để xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững trong kỷ nguyên công nghệ.