Phiên tòa xét xử vụ kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng giữa Vinasun taxi và Grab đã được TAND TP. HCM tiếp tục lùi đến 30-11 tới đây. Đại diện Grab Việt Nam bày tỏ, phiên tòa này đã kéo dài quá lâu, và rõ ràng đang lấy đi nhiều công sức của các bên có liên quan, bao gồm cả tòa án. Vị đại diện Grab cũng bày tỏ, sẵn sàng hợp tác với Vinasun cũng như các hãng taxi truyền thống khác, thay vì đối đầu để cả hai cùng phát triển.
. |
Mới đây, tại thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 12-11 trong phiên họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, khi đi nghiên cứu ở nhiều nước, đa phần các nước khuyên nên để kinh tế chia sẻ tự phát triển, không nên can thiệp quá mạnh. Bởi vì, đây là loại hình quá mới, phát triển và thay đổi rất nhanh.
“Nếu chúng ta ủng hộ loại hình truyền thống thì chúng ta không khuyến khích công nghệ phát triển và không khuyến khích kinh tế chia sẻ, không ủng hộ số đông là người tiêu dùng có lợi. Nhưng, nếu ủng hộ công nghệ thì ảnh hưởng đến kinh doanh truyền thống", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng cho rằng, trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, kinh tế chia sẻ, hợp tác các bên cùng có lợi là xu hướng văn minh. Do vậy, thay vì đối đầu, taxi truyền thống và xe công nghệ nên chuyển sang hợp tác.
“Grab là một Công ty chuyên về công nghệ, cung cấp ứng dụng trên nền tảng công nghệ hiện đại, họ có đủ năng lực trong lĩnh vực này. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống có xe, có bộ máy quản lý, vậy tại sao “hai anh” không bắt tay hợp tác, thay vì đối đầu, gây mất thời gian và thiệt hại kinh tế của cả đôi bên”- một chuyên gia đặt vấn đề.
Tuy nhiên, nhận định riêng về vụ kiện giữa Vinasun và Grab, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nói hòa giải thì giờ cũng rất khó, bởi đã kiện nhau ra tòa thì chỉ có xử thua hoặc thắng. “Nếu đã đề cập đến hòa giải thì phải cụ thể, hòa giải theo hướng như thế nào” - chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm.
Khi được hỏi, liệu có một cơ hội cho hai bên chuyền từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác để cùng phát triển hay không, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, nếu có kết quả này, thì đó thực sự là tinh thần “cầu thị - cầu tiến” rất văn minh trong kinh doanh, đáng cổ vũ. Nếu Vinasun cầu thị hơn trong việc đón nhận xu thế kinh tế chia sẻ, dám thể hiện bản lĩnh để đối thoại với Grab, tìm ra cách thức hợp tác chung và ngược lại, phía Grab cởi mở chia sẻ nền tảng công nghệ của mình để hai bên cùng hợp tác thì người dùng sẽ là người ủng hộ hai bên mạnh mẽ nhất. Vì khi đó, các doanh nghiệp truyền thống và công nghệ sẽ phát huy tốt nhất thế mạnh nền tảng của mình, cùng kinh doanh vì lợi ích lớn nhất, đó chính là vì lợi ích người dùng. Khi đó, môi trường cạnh tranh kinh doanh giữa truyền thống và công nghệ sẽ thực sự lành mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, Grab là loại hình mới, dùng công nghệ nền tảng Platform, bản thân Nhà nước nếu không định danh được cũng rất khó để quản lý. Nếu không cẩn trọng sẽ khai tử một mô hình kinh doanh mới, năng động.
Trong khi đó, toàn bộ báo cáo thiệt hại để Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường 41 tỷ đồng dựa trên giám định thiệt hại của Công ty CP Giám định-Thẩm định Cửu Long, song tại các phiên xử, Công ty Cửu Long không có mặt tại tòa án để trả lời các câu hỏi về cơ sở giám định thiệt hại. Hơn nữa, các căn cứ mà phía Công ty Cửu Long đưa ra đều không chắc chắn, không có bằng chứng thuyết phục, do đó, TAND TP.HCM cũng khó phán quyết.