Buổi họp có sự tham gia của bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng bộ Thủy Sản, Trưởng Ban vận động Hiệp hội thực phẩm minh bạch, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP và các Hiệp hội, doanh nghiệp nước mắm truyền thống cả 3 miền.
Sau cuộc họp, đại biểu dự họp thống nhất 4 nội dung chính.
Thứ nhất, thống nhất liên minh 5 Hội nước mắm truyền thống.
Thứ hai, các Hội sẽ thống kê thiệt hại của doanh nghiệp về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp hội viên.
Thứ ba, Liên minh Hội sẽ có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, xử lý các thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến nước mắm truyền thống, kèm theo thông báo bằng văn bản.
Thứ tư, Liên minh Hội thống nhất chương trình hành động và tiêu chuẩn nước mắm truyền thống, bộ quy tắc ứng xử nội bộ, thông tin công khai danh sách các doanh nghiệp, thương hiệu nước mắm truyền thống, địa chỉ bán lẻ trên trang web, facebook.
. |
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, kết quả 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát trên toàn quốc có hàm lượng arsen vượt ngưỡng cho phép của Bộ Y tế do Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) đã công bố là thiếu thận trọng. Cụ thể, việc kiểm tra theo tiêu chuẩn TCVN là tiêu chuẩn cũ, vì vậy kết quả này là thiếu cơ sở. Thứ hai, hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn về nước mắm mặc dù đã có bản dự thảo tuy nhiên vẫn chưa có cơ sở bắt buộc nào về nước mắm.
“Vinatas lại dựa vào quy chuẩn Việt Nam liên quan đến vấn đề kim loại nặng nhưng là dành cho nước chấm chứ không phải nước mắm. Bản thân là Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ Người tiêu dùng mà lại đưa ra một kết quả thiếu rất thiếu cơ sở, thiếu minh bạch như vậy. Có thể họ đang bị tác động bởi những yếu tố khác”, ông Trương Đình Hòe nói.
Trao đổi nhanh với PV Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, một số doanh nghiệp nước mắm truyền thống bức xúc khi nhiều người tiêu dùng, siêu thị, đối tác đang “quay lưng” với sản phẩm “quốc hồn quốc túy” này.
“101/150 mẫu nước mắm được khảo sát không đạt tiêu chuẩn về Arsen khiến ai trong chúng ta cũng phải nhớ đến câu chuyện nước tương nhiễm 3-MCPD, mì tôm chứa transfat hay chiến dịch "không E102”…Phải đặt câu hỏi, có “bàn tay” nào đó lập ra những kịch bản này để tận dụng và hưởng lợi hay không, hay nói đơn giản là một kịch bản làm ăn dựa trên nỗi sợ! Đối với 1 sản phẩm, có 2 cách để tác động tới người tiêu dùng nhanh và hiệu quả nhất là khơi dậy lòng trắc ẩn và đánh vào sự sợ hãi của người tiêu dùng. Hiện họ đang kinh doanh bằng cách đánh vào sự sợ hãi”, vị đại doanh nghiệp này bày tỏ.