Sông Bưởi đoạn chạy qua địa bàn xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành đổi màu xanh đục, bốc mùi hôi thối |
Trong ngày 5/5, đoàn công tác của Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã đến hiện trường khu vực cá chết trên sông Bưởi. Do khu vực xảy ra tình trạng cá chết và ô nhiễm môi trường là địa bàn giáp ranh nên Sở TN&MT Thanh Hóa đã phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình để kiểm tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân của tình trạng nêu trên.
Trao đổi với báo chí, ông Lưu Trọng Quang - Phó giám đốc, phụ trách Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, do các nhà máy hoạt động ngoài địa giới hành chính của tỉnh Thanh Hóa nên các cơ quan chức năng của Thanh Hóa gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tra, xử lý cá nhân đơn vị gây ô nhiễm nguồn nước sông Bưởi.
Cũng trong ngày 5/5, ngành chức năng của hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra hiện trường vụ việc. Theo đó, đoàn công tác cho biết sẽ kiên quyết xử lý nếu phát hiện đơn vị gây ô nhiễm môi trường sông Bưởi.
Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũng đã phối hợp với ngành chức năng huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành lấy mẫu nước và xác minh ban đầu nguồn nước có màu đen, bốc mùi hôi thối là do nước thải chưa qua xử lý của nhà máy mía đường Hòa Bình, đặt tại xã Tân Mỹ, huyện Lạc Sơn xả trực tiếp ra sông Bưởi.
Các ngành chức năng của hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình và chính quyền các địa phương giáp ranh đã tiến hành lập biên bản và đưa mẫu nước đi xét nghiệm làm rõ nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt.
Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, từ ngày 4/5, người dân xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành phát hiện cá chết hàng loạt xuất hiện trên sông Bưởi. Cùng với tình trạng cá chết là nước sông đổi màu xanh đục, nổi bọt và bốc mùi hôi thối.
Đây là lần thứ ba liên tiếp trong những năm gần đây xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường khiến cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, đoạn chạy qua địa bàn một số xã của huyện Thạch Thành như: Thạch Lâm, Thạch Quảng, Thành Mỹ.
Chính quyền địa phương đã thông báo rộng rãi cho nhân dân không tự ý vớt cá chết về ăn, không lấy nước để tắm rửa sinh hoạt và cho gia súc, gia cầm uống cho đến khi cơ quan chức năng có kết quả kiểm tra.
Hiện các ngành chức năng và địa phương giáp ranh của hai tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình đang tiếp tục tiến hành làm rõ nguyên nhân vụ việc nêu trên.