Điểm nóng
Vụ Vạn Thịnh Phát: Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình với bà Trương Mỹ Lan
Việt Dũng - 19/03/2024 15:48
Viện kiểm sát nhận định, bà Trương Mỹ Lan phạm nhiều tội, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… nên đề nghị tòa tuyên mức án cao nhất về 3 tội danh.

Chiều 19/3, Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM (VKS) hoàn tất luận tội đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

VKS đánh giá bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan mức án 19-20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình với 3 tội danh.


Đối với nhóm cựu cán bộ chủ chốt tại Ngân hàng SCB, VKS xác định họ đã giúp sức tích cực cho bà Lan chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong quá trình điều tra và tại tòa, các bị cáo này thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra giải quyết vụ án, có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng, khắc phục một phần hậu quả... 

Tuy nhiên, hành vi phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng như: có tổ chức, phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng... nên phải cần có mức án tương xứng.

Theo đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên Đinh Văn Thành (cựu chủ tịch SCB, đang trốn truy nã), Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch SCB giai đoạn sau), Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc) mức án tù chung thân về các tội Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.

Với các bị cáo khác tại Ngân hàng SCB, VKS cho rằng họ chỉ là những người làm công ăn lương, đồng phạm giúp sức bà Lan, không được hưởng lợi trong số tiền bà Lan chiếm đoạt... nên đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Trước đó, đưa ra quan điểm luận tội đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (nguyên cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), VKS nhận định, bà Nhàn là trưởng đoàn thanh tra, người chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước).

Để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của Ngân hàng SCB phát hiện qua thanh tra, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu.

Bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn và chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Từ đó Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Hành vi của bị cáo Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội nhận hối lộ với số tiền đặc biệt lớn.

Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo Nhàn đã thành khẩn khai báo, lần đầu phạm tội, nhân thân tốt, đã nộp lại 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm ngân hàng có tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên quá trình thanh tra, bị cáo Nhàn đã nhận hối lộ để che giấu, bưng bít sai phạm của SCB một cách tinh vi. Hành vi của Đỗ Thị Nhàn gây bức xúc trong dư luận, gây mất uy tín cơ quan nhà nước nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước), VKS nhận định là người ra quyết định thanh tra nhưng vì động cơ cá nhân đã chỉ đạo các bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Thị Phụng (phó trưởng đoàn), Nguyễn Tuấn Anh và Vũ Khánh Linh (tổ tổng hợp) xây dựng dự thảo, chỉnh sửa, hoàn thiện.

Sau khi hoàn thiện thì các báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nội dung thể hiện không trung thực, không đầy đủ về tình hình, thực trạng tài chính yếu kém của Ngân hàng SCB; che giấu, không báo cáo về vi phạm, sai phạm của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án theo kế hoạch tái cơ cấu theo các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước...

Trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ, bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận tổng số tiền 390.000 USD từ SCB thông qua Đinh Văn Thành và Võ Tấn Hoàng Văn.

Hành vi của bị cáo Nguyễn Văn Hưng đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bị cáo Hưng đã chủ động khai báo và nộp lại toàn bộ số tiền 390.000 USD để khắc phục hậu quả, có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo. Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị cáo Hưng là đặc biệt nghiêm trọng nên cần tiếp tục cách ly bị cáo một thời gian tương xứng với hậu quả đã gây ra.

Phiên toà vẫn đang tiếp tục với phần luận tội của VKS và đề nghị mức án đối với các bị cáo khác.

Tin liên quan
Tin khác