Ông David Dương, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc VWS. |
Chuyến khảo sát công nghệ tại châu Âu đã mang lại kết quả gì cho VWS, thưa ông?
Chúng tôi đã tới 5 quốc gia châu Âu với mục đích “mục sở thị” các công nghệ đốt rác mới nhất của họ cũng như thẩm định lại các công nghệ họ đã giới thiệu với VWS trước đây. Thực tế chuyến đi đã cho thấy, các công nghệ được sử dụng tại châu Âu, nếu tuân thủ theo quy định của các quốc gia châu Âu, đều không thể có giá thành thấp.
Tôi có cơ hội tìm hiểu một dây chuyền xử lý tại Phần Lan và nhận thấy, một loạt phát sinh trong quá trình xử lý giống như dây chuyền lắp đặt tại Việt Nam hoặc Hoa Kỳ, nhưng điểm khác biệt lớn nhất của họ là chia 3 hệ thống xử lý riêng biệt, gồm khu xử lý rác hữu cơ, khu xử lý rác vô cơ và khu chôn lấp… Để làm được việc này, họ đã mất hàng chục năm trong việc phân loại rác tại nguồn từ người dân đến hệ thống thu gom, vận chuyển, trung chuyển và phân loại rồi mới đem xử lý.
Trở lại lý do vì sao có chuyến đi này. Đầu năm nay, nhiều đơn vị cung cấp công nghệ xử lý rác thải chào hàng tại Việt Nam, chủ yếu tập trung vào công nghệ đốt với chi phí cạnh tranh. Do vậy, tôi phải đi tìm hiểu thực tế các công nghệ này. Chuyến đi khảo sát đã chứng minh nhận định của tôi, lò đốt chỉ là khâu xử lý cuối cùng của hệ thống phân loại, tái chế… Toàn bộ hệ thống này đã được VWS xây dựng và trình với chính quyền TP.HCM xem xét phê duyệt để triển khai quy mô nhỏ tại VWS và triển khai với quy mô rộng, phiên bản nâng cao tại Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An do VWS làm chủ đầu tư.
Đại diện VWS trao tặng 6 xe vận chuyển rác cho TP.HCM, Long An, Kiên Giang |
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế và dân số, thành phần rác và khối lượng rác thải hằng ngày tăng cao và đa dạng. Nhưng hiện nay, người dân chưa có thói quen phân loại rác, nên những nhà đầu tư như chúng tôi phải nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thích ứng với từng công đoạn phân loại, xử lý rác. Công nghệ để xử lý rác thải y tế, rác thải độc hại tại Việt Nam vẫn đang triển khai rất chậm. Vì thế, chúng tôi phải liên tục nghiên cứu, khảo sát, sàng lọc, sớm đưa công nghệ mới nhất để xử lý các loại rác thải này về cho VWS.
Vừa qua, TP.HCM đã được giới thiệu nhiều công nghệ xử lý rác mới theo xu hướng đốt, VWS cũng không nằm ngoài xu thế này?
Chính quyền TP.HCM có chủ trương thay đổi công nghệ xử lý rác, hạn chế chôn lấp rác là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, điều khó nhất là chọn công nghệ nào không chỉ phù hợp với các loại rác, thành phần rác, mà còn phù hợp với nền kinh tế. “Tiền nào của nấy”, công nghệ có giá rẻ sẽ hấp dẫn ban đầu, nhưng về lâu dài, chất lượng công nghệ kém, lại thành đắt.
Đặc biệt, nếu TP.HCM đã đề cao vấn đề môi trường và quyết tâm bảo vệ môi trường, thì càng không nên đặt nặng vấn đề giá cả. Trên thế giới có hàng trăm công ty sử dụng công nghệ đốt, nhưng công nghệ nào phù hợp với loại rác nào và giải quyết được số lượng rác lớn là vấn đề cần xem xét kỹ, quan trọng hơn là công nghệ đó có tiên tiến hay không, đã thực hiện được bao lâu và giá thành ra sao.
TP.HCM có rất nhiều lò đốt rác 200 tấn, giá trị đầu tư không lớn, nhưng khi số lượng rác lên tới hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn thì không còn phù hợp, vì đòi hỏi công nghệ xử lý phải cao hơn. Có nhiều công ty đưa công nghệ đến Việt Nam, nhưng không biết thành phần rác tại đây và cũng không hề có nghiên cứu nào về những biến chuyển thành phần rác tại Việt Nam trong 20 - 30 năm tới sẽ như thế nào...
Đây là những vấn đề cần phải đánh giá và xem xét rất kỹ trước khi đầu tư, thì mới có thể đưa công nghệ vào phục vụ và bảo vệ được môi trường.
Với hai công nghệ cụ thể là đốt rác và chôn lấp, theo quan điểm của tôi, công nghệ nào cũng có ưu điểm và khuyết điểm, vấn đề là tìm công nghệ phù hợp. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy, lượng rác ở Việt Nam có độ ẩm rất cao, lên tới 50 - 60%, nên nếu sử dụng công nghệ đốt rác, thì chi phí rất lớn. Chưa kể, hiện nay, lượng rác nhựa rất nhiều, làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, thậm chí chỉ nên đốt loại rác cần phải đốt để giảm tối thiểu rác chôn lấp.
Là một trong những Việt kiều đầu tiên trở về quê hương theo lời mời gọi của chính quyền, trong 20 năm hoạt động tại Việt Nam, nhiều người đã gọi ông là “Vua rác”, vì cho đến lúc này, có thể nói, ông là người “hiểu” rác ở TP.HCM nhất?
Với kinh nghiệm nhiều năm xử lý rác ở TP.HCM, tôi hiểu khá rõ thành phần, khối lượng rác và suốt 2 năm qua cũng đã nghiên cứu những cách thức, công nghệ xử lý có thể tái chế rác để giảm giá thành. Hiện nay, thành phần rác của TP.HCM có tới 70% là rác hữu cơ. Đây là một lợi thế để tái chế thành sản phẩm có lợi cho xã hội, nếu đem đốt hết, thì chi phí vừa cao, lại không đảm bảo môi trường và lãng phí.
Chúng tôi đang nỗ lực để trong khoảng 10 năm tới sẽ chỉ còn khoảng 15% rác phải dùng công nghệ chôn lấp, còn lại đưa vào lò đốt làm ra điện.
Công nghệ mới mà VWS đang thuê các chuyên gia ở Đức, Ý, Hoa Kỳ nghiên cứu phải theo tiêu chí vừa phù hợp, hiệu quả, chi phí rẻ, đồng thời được nghiên cứu dựa trên thành phần rác đang có và thông số thành phần rác sẽ thay đổi dự kiến trong tương lai. Công nghệ này không cần đốt bằng lửa, mà ủ nhiệt, nhưng vẫn lấy được khí để sản xuất điện, khí nén lỏng, sản xuất phân hữu cơ; nước rác sau quá trình ủ sẽ có độ dưỡng chất dồi dào, tạo thành loại phân hữu cơ dạng lỏng…
Nếu được hoàn thiện, hệ thống này của VWS sẽ cung cấp rất nhiều sản phẩm như phân hữu cơ dạng lỏng; khí nén lỏng (CNG)..., vừa giảm được giá thành, lại có nhiều sản phẩm cho thị trường.
VWS có xây dựng nhà máy điện sử dụng khí thu từ rác, thưa ông?
Nhà máy điện VWS đầu tư đã hoàn thiện với công suất 12 MW. Chúng tôi đang chờ sự chấp thuận từ ngành điện là có thể đấu nối để đưa điện vào lưới điện quốc gia.
Trở lại với Dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An. Được biết, dự án này đã mất thời gian chờ tín hiệu chấp thuận triển khai giai đoạn tiếp theo từ các cấp chính quyền. Nhiều nhà đầu tư gặp trường hợp tương tự là đã nản. Vì sao ông vẫn rất tâm huyết và quyết tâm theo đuổi đến cùng dự án này?
Hiện nay, ngoài Khu liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước đang vận hành, VWS còn đầu tư Dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh ở Long An với tham vọng biến nơi đây thành khu xử lý rác mang tầm cỡ cho TP.HCM, Long An và các tỉnh lân cận.
Khu công nghệ Môi trường Xanh rộng gần 1.800 ha tại Long An sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý tất cả các loại rác như rác thải thông thường, chất thải công nghiệp nguy hại và không nguy hại, chất thải y tế, chất thải điện tử… Rác thải sau khi xử lý sẽ được tận dụng để tái chế thành các sản phẩm hữu ích.
Việc tôi quyết tâm đầu tư Khu công nghệ Môi trường Xanh tại Long An là để hiện thực lời hứa với mẹ của mình. Long An là quê hương của mẹ tôi. Năm nay, bà đã 75 tuổi và rất mong muốn nhìn thấy người con trai làm được điều gì đó cho quê hương. Chính vì vậy, tôi trở về đây để thực hiện đầu tư xây dựng dự án này. Hiện nay, vốn, công nghệ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ giải quyết các thủ tục hành chính là khởi công xây dựng Dự án. Tôi quyết tâm thực hiện dự án này không phải vì tiền, mà vì tâm huyết của một người con xa xứ về cống hiến cho đất nước.
Mặt khác, tôi còn là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ. Do vậy, ngoài đầu tư, tôi còn có trách nhiệm “truyền lửa” cho các anh em doanh nhân khác cùng về Việt Nam để đóng góp thiết thực cho quê hương.