Xuất khẩu giày dép sang Anh 8 tháng năm 2024 tăng trưởng 25% so với cùng kỳ. |
Thông tin này được Bí thư thứ nhất, bà Hoàng Lê Hằng, Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen) chia sẻ tại tọa đàm: "Chiến lược tiếp cận và xây dựng thương hiệu tại thị trường Vương quốc Anh" do Báo Công thương tổ chức, sáng 14/10.
Hàng hóa sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang Anh quốc tăng trưởng ấn tượng kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA) thực thi.
Vương quốc Anh hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu sau Hà Lan và Đức.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 5,05 tỷ USD, tăng 23,5%.
Bí thư thứ nhất Hoàng Lê Hằng - Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ai-len)
Kết quả này có sự bổ trợ đáng kể của UKVFTA đã đi vào thực thi được hơn 3 năm. Nhờ đó, hàng Việt có thêm thuận lợi thâm nhập thị trường có quy mô tiêu dùng lên tới 700 tỷ USD/năm.
Đồng thời cũng chứng tỏ năng lực cạnh tranh và tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng dư địa thị trường và các ưu đãi từ Hiệp định UKVFTA.
Đến nay, nhiều mặt hàng Việt Nam đang dần chiếm lĩnh thị trường Anh, điển hình như dệt may, giày dép điện tử dân dụng, thiết bị phụ tùng và có nhiều mặt hàng đang có triển vọng tăng trưởng là sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắt, thép...
Theo chia sẻ của bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso): "Trước khi rời EU, Anh đã là thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày, tuy nhiên trong giai đoạn 2019-2020, xuất khẩu có sự suy giảm nhẹ, nhưng từ đó đến nay, xuất khẩu giày dép sang Anh đã tăng trở lại khá ấn tượng".
Dẫn chứng, bà Xuân nói: "Giai đoạn dịch covid khó như thế, chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhưng xuất khẩu giày dép sang Anh vẫn tăng 6%, đặc biệt, năm 2023 khi xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều suy giảm, đặc biệt giảm sâu tại EU thì kim ngạch xuất sang Anh vẫn tăng khá, đóng góp đáng kể vào xuất khẩu toàn ngành với 28 tỷ USD (Xuất khẩu giày dép năm 2023 đạt 765 triệu USD, tăng trên 40% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng gần 13%- PV).
8 tháng 2024, xuất khẩu giày dép sang Anh tăng trưởng 25% chiếm gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của EU. Bà Xuân nhấn mạnh, Vương quốc Anh hiện là thị trường rất quan trọng của ngành da giày.
Gỗ và sản phẩm gỗ cùng là ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốc độ sang Anh nhờ UKVFTA. Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay: "9 tháng 2024, ngành gỗ đã xuất khẩu 165 triệu USD sang Anh, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, cả năm có thể xuất được 230 triệu USD".
Con số 230 triệu USD dự kiến thực hiện được trong năm 2024, theo ông Hoài là rất khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 16 tỷ USD của toàn ngành, nhưng lại có vai trò rất quan trọng, bởi chiếm trên 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường EU.
Bộ Công thương cho hay, với lộ trình cắt giảm thuế quan của Hiệp định UKVFTA, hàng hoá Việt Nam đang dần có ưu thế nổi trội so với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác chưa có FTA với Anh như: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Malaysia, Indonesia hay một số các nước Nam Mỹ.
Đặc biệt, gần đây, giá trị thương hiệu Việt Nam tăng trưởng tích cực tại thị trường Anh nhờ sự phục hồi của kinh tế, sản xuất, xuất nhập khẩu mang lại những tín hiệu lan toả rất tốt.
Tuy nhiên, hiện thị phần hàng hoá Việt Nam tại thị trường Anh chỉ chiếm chưa đến 1% trong tổng lượng nhập khẩu vào Anh. Một trong những nguyên nhân do nhận diện thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại thị trường này còn thấp, Việt Nam chưa có doanh nghiệp sản xuất uy tín để tham gia vào thị trường khó tính.
Chỉ ra những "điểm nghẽn" khiến hàng Việt còn chiếm thị phần nhỏ tại Anh, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) nói: "Mấu chốt để đi đường dài, sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh cao với sản phẩm hàng hóa từ các quốc gia khác là phải xây dựng được thương hiệu của doanh nghiệp, gắn với thương hiệu quốc gia".
"Mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược riêng về xây dựng thương hiệu. Tôi lưu ý, làm gia công thì tốt thôi, nhưng phải xác định làm gia công trong bao lâu. Như Trung Quốc là "công xưởng" của cả thế giới, gia công đủ mọi thứ, nhưng họ làm vậy đều theo định hướng để sau đó chọn lựa ra các ngành chiến lược để đầu tư xây dựng thương hiệu quốc gia", ông Khanh nhấn mạnh.