Trong số các ca mắc Covid-19 chúng ta đã điều trị thành công cho 3.804 ca và 57 ca tử vong. Hai ca tử vong gần đây nhất là ngày 11/6 đều có bệnh nền rất nặng, ung thư cổ tử cung và ung thư túi mật có di căn.
Tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam chính thức vượt mốc 10.000 ca mắc với 8.418 ca ghi nhận trong nước và 1.630 ca nhập cảnh. |
Theo các chuyên gia, hiện tại số ca mắc của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều lần so với các quốc gia trong cùng khu vực.
Châu Á hiện vẫn đang là tâm dịch Covid-19 trên toàn thế giới. Tính đến nay, châu Á đã có tổng cộng 53.247.582 ca nhiễm và 735.486 ca tử vong vì Covid-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 154.540 ca mắc và 5.115 trường hợp tử vong mới.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì Covid-19 trong khu vực và trên toàn thế giới với 29.358.033 ca và 367.097 ca tử vong.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 25.441 ca mắc mới và 322 ca tử vong vì Covid-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 4.291.207 người mắc Covid-19, trong đó 83.721 ca tử vong.
Ngoài Ấn Độ, tại Malaysia, tình hình dịch Covid-19 vẫn rất đáng lo. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 11/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ 2 ASEAN với 6.849 ca, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 84 trường hợp không qua khỏi. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Ngày 11/6, nước này ghi nhận 2.290 ca nhiễm mới và 27 ca tử vong mới vì Covid-19.
Tại châu Âu, hiện tại châu lục này ghi nhận 47.112.761 ca mắc Covid-19, trong đó 1.084.822 ca tử vong. Hết ngày 11/6, châu lục này ghi nhận đã có thêm 42.469 ca nhiễm mới và 964 ca tử vong vì Covid-19.
Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì Covid-19 tại châu Âu. Tính đến nay, nước này ghi nhận đã có 5.733.838 ca mắc Covid-19 và 110.344 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 11/6, Pháp có thêm 3.871 ca nhiễm mới và 71 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Trên phạm vi toàn thế giới, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 12/6/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 175.995.105 ca nhiễm Covid-19, trong đó 3.799.304 ca tử vong và 159.551.326 ca bình phục.
Tại Việt Nam, để kiểm soát dịch, tránh rơi vào tình trạng mất kiểm soát như nhiều quốc gia, chiều 11/ 6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 9 địa phương có nhiều khu công nghiệp (Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) về công tác kiểm soát dịch bệnh tại khu công nghiệp (KCN).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là dịch xuất hiện trong các KCN, không chỉ làm đứt gãy chuối sản xuất mà còn có khả năng lây lan rất nhanh, nhất là trong các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao.
Dịch Covid-19 xuất hiện trong KCN là một bài toán hoàn toàn khác so với tại cộng đồng, cho nên các địa phương phải cố gắng không để dịch lây lan vào đây. Nếu có, phải nỗ lực phát hiện các ca mắc trong vòng ba ngày đầu tiên.
Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần chủ động thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khỏe của tất cả người làm việc trong KCN, xét nghiệm sàng lọc với những người có nguy cơ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, cần có sự thống nhất trong công tác chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau với những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị chi viện về hỗ trợ địa phương.
Cùng với cách ly tập trung, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần chuẩn bị phương án cách ly tại chỗ; tránh tình trạng như Bắc Giang, sử dụng nơi ở của công nhân làm khu cách ly, không giãn, giảm mật độ kịp thời đã gây ra lây nhiễm chéo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn mới được hoạt động, sản xuất. Ngay cả những địa phương chưa có dịch, vẫn phải tăng cường kiểm tra, kiên quyết dừng hoạt động với những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp phải tự cập nhật thông tin tự đánh giá mức độ an toàn lên bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; có phương thức tổ chức sản xuất trở lại theo ca, kíp; khu sản xuất gắn với chỗ ở cho công nhân...
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo cũng thống nhất thời gian tới sẽ ưu tiên vắc-xin để tiêm cho công nhân, người lao động ở KCN ở các địa phương. Dự kiến trong tháng 7 và 8 sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho tất cả công nhân, người lao động nơi có nguy cơ cao, trong các KCN trên cả nước.
Với chiến lược lâu dài của Việt Nam là vắc-xin sản xuất trong nước, ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chính thức ký phê duyệt đề cương thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin Nano Covax.
Đây là vắc-xin ngừa Covid-19 được Học viện Quân y phối hợp Công ty Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Trước đó, qua 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin cho hiệu quả tốt.