Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chính thức công bố, trong 10 tháng đầu năm, tính cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, đã có 28,24 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số này, có 2.070 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 16,3 tỷ USD, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2016; có 1.001 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,27 tỷ USD, tăng 35,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, còn có 4.156 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,67 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2016.
. |
Tháng trước, khi báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính, năm 2017, sẽ có khoảng 28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau, dự báo - vốn được cho là rất lạc quan - này đã bị “xô đổ”.
Mười tháng kết quả đã khả quan như vậy thì cả năm, con số có thể lên tới 30 tỷ USD, thậm chí cao hơn/
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 10 tháng năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất, với tổng số vốn là 13,75 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2017.
Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, với tổng vốn đầu tư là 5,63 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nếu tính theo đối tác, 10 tháng qua, Hàn Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,07 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.