Đầu tư
Vượt lên gian khó để kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng
Hà Nguyễn - 03/09/2021 09:09
Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những tác động nghiêm trọng của dịch Covid-19. Giờ là lúc phải tìm cách vượt lên gian khó.
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty cổ phần Ngọc Sơn (Hà Nam). Ảnh: Đức Thanh

Bộn bề khó khăn

Hàng loạt dấu trừ (âm) đã được đặt trước các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 8/2021 và điều đó cho thấy, không chỉ là “nhuốm màu” Covid-19, mà bức tranh kinh tế Việt Nam kể từ đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đã mang nhiều gam màu xám.

Trong tháng 8, theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ngành chế biến - chế tạo, vốn là động lực tăng trưởng cho khu vực này, giảm tới 9,2% trong tháng này.

Tính chung 8 tháng năm 2021, IIP tăng 5,6% so với 8 tháng năm 2020. Mặc dù con số này cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, thương mại hàng hóa cũng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ước tháng 8/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa chỉ đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước đó và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng, tuy con số cộng dồn đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, song lại thấp hơn con số nhập khẩu: 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Cũng bởi thế, từ đầu năm tới nay, cán cân thương mại của Việt Nam đã thâm hụt 3,71 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế xuất siêu tới 13,69 tỷ USD.

Điều đáng quan tâm, theo các chuyên gia kinh tế, nhập siêu lớn không phải vì nhập khẩu nguyên vật liệu hay hàng tiêu dùng tăng, mà lại là do đình trệ sản xuất. Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở miền Nam, khiến nhiều nhà máy phải tạm ngừng sản xuất, việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa cũng khó khăn hơn.

Xuất khẩu đã vậy, thị trường trong nước cũng khó khăn mọi bề. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2021 đã giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, con số là giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2020, nếu loại trừ yếu tố trượt giá thì giảm tới 6,2%.

Năm ngoái, ở cùng thời điểm này, tổng mức bán lẻ chỉ giảm 5,8%. Năm nay, lại giảm tiếp 6,2% trên nền đã giảm đó, cho thấy sức mua của nền kinh tế đã sụt giảm mạnh như thế nào. Sức mua giảm sẽ ảnh hưởng đến động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó cũng có thể lý giải vì sao, trong 8 tháng qua, đã có 85.500 doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 24,2% so với cùng kỳ.

Đáng nói hơn, số doanh nghiệp sinh ra lại còn thấp hơn cả số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Trong 8 tháng, chỉ có 81.600 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới. Rõ ràng, khu vực doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mới đây đã chỉ ra tới 8 khó khăn của doanh nghiệp, trong đó có khó khăn do tổng cầu sụt giảm mạnh, khiến số lượng đơn hàng, hợp đồng, sản lượng sụt giảm; doanh thu giảm mạnh trên diện rộng; chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu bị gián đoạn…

Sức khỏe của doanh nghiệp cũng chính là sức khỏe của nền kinh tế. Nhìn vào các chỉ số đo lường sự phát triển của khu vực doanh nghiệp có thể thấy, kinh tế Việt Nam đang rất khó khăn.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vượt lên gian khó

Sẽ là một bài toán rất khó cho nền kinh tế Việt Nam để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6%, như Quốc hội đã quyết nghị, khi Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tốt ở khu vực miền Nam.

Trong báo cáo kinh tế cập nhật tháng 8/2021, vừa được công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đưa ra nhận xét rằng, mặc dù có khả năng chống chịu tương đối tốt, nhưng nền kinh tế Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế ngày càng nghiêm ngặt hơn nhằm kiểm soát dịch bệnh.

“Tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp sẽ làm tăng nỗi đau kinh tế cho Việt Nam do Chính phủ không thể sớm gỡ bỏ các biện pháp hạn chế”, WB nhận xét. Cũng theo WB, giai đoạn phục hồi của nền kinh tế Việt Nam sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng đến giữa năm 2022.

Để vượt lên khó khăn, các chuyên gia kinh tế của WB cũng cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, mở rộng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và những người lao động mất việc làm.

Hiện tại, xác định vắc-xin là chìa khóa quan trọng, Chính phủ Việt Nam đang đẩy nhanh việc đàm phán mua vắc-xin, sớm đưa về Việt Nam, thực hiện việc tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Nếu kế hoạch này khả thi, sẽ hỗ trợ lớn cho việc đưa nền kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng và phục hồi.

Trong khi đó, các biện pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cũng đang được nỗ lực thực hiện. Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ mới đây, các địa phương đã rốt ráo thực hiện các biện pháp để nhanh đưa vốn vào nền kinh tế. Tuy vậy, để đạt mục tiêu giải ngân 95% trong năm nay, sẽ cần một nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, 8 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt gần 245.000 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Để vượt lên khó khăn, theo TS. Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế, cần sớm giải quyết vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Hiện tại, theo ông Ân, việc nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách, thậm chí áp dụng quá mức các biện pháp kiểm soát lưu thông hàng hóa đang “làm khó” cho sản xuất - kinh doanh.

Mới đây, để gỡ rối vấn đề này, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu một loạt địa phương bãi bỏ các quy định cản trở lưu thông hàng hóa. Động thái này là tích cực và sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh.

Trên một góc độ khác, thông tin cho biết, các bộ, ngành đang tích cực rà soát, sửa đổi một số luật liên quan đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động này. Đây cũng là cách để nền kinh tế Việt Nam có thể vượt lên trong gian khó.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin liên quan
Tin khác