Thời sự
Vượt qua chính mình để hoàn thiện thể chế phát triển
An Nguyên - 11/01/2021 08:29
Theo UV Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Đỗ Văn Sinh, khi soạn thảo, thẩm tra, bấm nút thông qua dự án luật, đại biểu phải công tâm, vượt lên những lợi ích cá nhân.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh

Theo ông Sinh, có được sự công tâm, trong sáng, "vượt lên chính mình" như vậy mới có thể hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển theo định hướng tại Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng.

Thưa ông, một trong những điểm nhấn trong Dự thảo các văn kiện của Đại hội XIII là xác định rõ hơn khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Ông nghĩ thế nào về điểm nhấn này?

Tôi thấy đó là việc rất cần thiết. Nhiệm kỳ vừa qua, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, nhưng không phải vì thế mà chúng ta tự mãn. Dự thảo cũng chỉ ra không ít hạn chế, trong đó có “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Năng lực xây dựng thể chế còn hạn chế; chất lượng luật pháp và chính sách còn thấp”, song theo tôi, không vì thế mà chúng ta tự ti.

Chủ đề Đại hội XIII nêu rõ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”, theo tôi, là cần thiết, có khát vọng, từ đó đặt ra mục tiêu để phấn đấu là đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông vừa nhắc đến một hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ... Hạn chế này có nguyên nhân từ việc nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nơi, có lúc còn chưa thực sự sâu sắc không, thưa ông?

Nói riêng về kinh tế thị trường, động lực là cạnh tranh, là minh bạch và cuối cùng là hiệu quả. Vậy, hoàn thiện thể chế chính là tạo hành lang pháp lý tốt nhất để nền kinh tế vận hành được như thế. Khi có kết quả, thì cần sử dụng, phân phối để đạt mục tiêu xã hội chủ nghĩa.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu của hạn chế nói trên, theo tôi, không phải là nhận thức, cũng không phải là bộ máy, nguồn nhân lực cho công tác xây dựng pháp luật còn bất cập, mà nằm ở vấn đề lợi ích.

Với kinh nghiệm của một đại biểu chuyên trách, tham gia thẩm tra nhiều dự án luật về kinh tế, ông có thể nói rõ hơn về cản trở này?

Hiện nay, hầu hết dự án luật được Chính phủ giao một bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo, nhưng quá trình tham mưu đều bắt đầu từ chuyên viên - lãnh đạo phòng - lãnh đạo vụ - thứ trưởng, rồi mới đến bộ trưởng. Thế nhưng, không phải bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng quan tâm đúng mức đến xây dựng thể chế.

Vì thế, khi đưa ra thẩm tra, nhiều đại biểu nhận xét là một số dự án luật mới ở tầm cấp vụ, chứ chưa được tầm cấp bộ. Và những người làm luật vẫn chưa thoát được cái tôi, vẫn bao biện, ôm quyền, dẫn đến ngay trong một bộ các vụ đã tranh chấp nhau về quyền anh - quyền tôi, rộng ra thì một số bộ, ngành cũng có biểu hiện đó. Điều này dẫn đến hệ quả là xung đột giữa cơ quan nhà nước và đối tượng chịu sự tác động - người dân và doanh nghiệp khi luật được ban hành.

Tất nhiên, Quốc hội phải là trọng tài, luật có tốt hay không vẫn là vai trò của Quốc hội, nhưng hiện nay, đại biểu Quốc hội chuyên trách chiếm chưa đến 35%, trong khi khối lượng các luật lại rất nhiều. Vì thế, ở các khâu soạn thảo, thẩm tra, bấm nút thông qua mà mỗi người tham gia đều vượt qua được chính mình, thì luật sẽ công tâm, trong sáng, sẽ hạn chế được cài cắm lợi ích, hay rộng hơn là tham nhũng chính sách, như Thủ tướng Chính phủ đã cảnh báo.

Ông có nhìn thấy biểu hiện không vượt qua được chính mình trong các khâu thẩm tra, thảo luận đến bấm nút thông qua các dự án luật tại nghị trường không?

Không loại trừ việc có thể có, nhưng quy chụp thì không nên, vì đại biểu có quyền nêu chính kiến, tranh luận để bảo vệ quan điểm của mình. Và đã là đại biểu thì chắc chắn sẽ có tư duy logic để nhận ra đâu là lợi ích chung, đâu là ngược lại.

Tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, có một vài luật khi phát biểu thì không nhiều đại biểu lên tiếng lắm, nhưng khi bày tỏ chính kiến qua phiếu thì kết quả rất chụm, chứng tỏ qua quá trình bàn thảo, nhiều người đã thống nhất được quan điểm về những chính sách mới được trình ra Quốc hội.

Tham nhũng ở một vụ việc cụ thể thì phạm vi rất nhỏ, có thể đong đếm được là mất bao nhiêu tiền, còn tham nhũng chính sách thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài, tác động đến cả quốc gia, thậm chí có thể ảnh hưởng đến cả quan hệ quốc tế.

Thực tế, tham nhũng chính sách lâu nay là có và tôi rất mong muốn nhiệm kỳ tới phải xây dựng được hệ thống pháp luật trong sáng, minh bạch, đáp ứng yêu cầu được nêu tại Dự thảo văn kiện Đại hội XIII.

Vậy theo ông, đâu là những vấn đề cần được ưu tiên trong thực hiện khâu đột phá chiến lược đầu tiên - hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, đã được nêu tại Dự thảo Báo cáo Chính trị của Đại hội?

Để tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đến việc sửa Luật Đất đai. Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã định sửa, nhưng cứ lùi mãi, đến giờ chưa rõ thời gian trình Quốc hội. Trong khi đó, đất đai là nguồn lực cực kỳ quan trọng, nhưng là hữu hạn, đang bị thất thoát rất nhiều, nếu không quản chặt thì lãng phí rất lớn. Để đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản cũng cần sớm sửa đổi.

Vấn đề rất quan trọng nữa là phải cải cách toàn diện chính sách tiền lương, bởi hiện nay, cán bộ, công chức có rất nhiều loại phụ cấp, không đồng bộ, chênh lệch giữa lực lượng trong nhà nước và ngoài nhà nước.

Một trong những đột phá chiến lược là nguồn nhân lực, nhưng tiền lương hiện nay không đủ sống thì thu hút và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao thế nào? Tổng kết cuối năm, gần 100% cán bộ, công chức được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng công việc vẫn trì trệ. Đó là vấn đề cần suy nghĩ và sớm có giải pháp.

Tin liên quan
Tin khác