Doanh nghiệp
VWS sử dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến
Bảo Minh - 14/11/2017 15:46
“VWS sử dụng công nghệ xử lý rác tiên tiến”, ngài Petri Peltonen, Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan đã chia sẻ suy nghĩ như vậy ngay sau khi kết thúc chuyến tham quan, khảo sát công nghệ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đầu tư vào cuối tuần qua.

Chia sẻ với báo chí, ngài Petri Peltonen cho biết, đến Việt Nam lần này, 15 doanh nghiệp Phần Lan rất mong muốn được khảo sát, tiếp cận các doanh nghiệp đầu tư tiêu biểu ứng dụng công nghệ xanh như VWS. Mục đích của chuyến tham quan là tiếp cận thực tế, trao đổi công nghệ, kinh nghiệm quản lý dây chuyền vận hành xử lý rác thải. Ngoài ra, đoàn doanh nghiệp Phần Lan còn muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư công nghệ xử lý rác thải thành năng lượng tái tạo phục vụ trở lại cuộc sống.

VWS đang mở rộng đầu tư công nghệ mới

Trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động Phần Lan và các doanh nghiệp Phần Lan, ông Kevin More, Giám đốc điều hành VWS đã giới thiệu những công nghệ xử lý chất thải và công nghệ thu gom, xử lý nước rỉ rác đang được ứng dụng tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Đây là công nghệ hiện đại đang được áp dụng tại Hoa Kỳ, thỏa mãn các tiêu chuẩn môi trường về xử lý chất thải và nước rỉ rác.

Đoàn Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Lao động cùng 15 doanh nghiệp Phần Lan chụp ảnh lưu niệm tại VWS

Đại diện các doanh nghiệp Phần Lan quan tâm rất nhiều về các công nghệ đang được VWS đầu tư, đặc biệt là công nghệ thu hồi khí thải sau quá trình xử lý để sử dụng làm năng lượng tái tạo như biogas...

Trả lời vấn đề này, ông Kevin More cho biết, CWS (Công ty mẹ của VWS) đã cử các đoàn chuyên gia sang VWS thực hiện khảo sát thực địa và tình hình hoạt động tại khu vực Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để triển khai đầu tư một lò công nghệ đốt rác, hệ thống xử lý nước thải, thu khí phát điện với công suất lên đến 12 MW.

Đây là một trong những hoạt động thể hiện cam kết của VWS với UBND TP.HCM là thay đổi một phần công nghệ để giảm bớt phần rác chôn lấp theo hướng lắp đặt thêm một lò công nghệ đốt rác, sản xuất điện năng từ khí bãi chôn lấp và sản xuất nhiên liệu khí nén thiên nhiên (Compressed Natural Gas - CNG) phục vụ các phương tiện vận chuyển rác không xả khói gây ô nhiễm môi trường, sản xuất phân compost...

VWS dự kiến sẽ xử lý rác hỗn hợp (nhiều tạp chất và chưa qua phân loại) để tiến hành đốt, sản xuất các sản phẩm với công suất 1.000 - 1.500 tấn/ngày. Những phần còn lại không thực hiện đốt được, ước tính 5%, VWS mới thực hiện việc chôn lấp. Hiện nay, VWS cũng đang nghiên cứu thiết kế khu vực dự kiến xây dựng trạm trung chuyển khép kín để vận chuyển rác từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước về Khu công nghệ môi trường xanh - Long An (do VWS làm chủ đầu tư) bằng xà lan khép kín chuyên dụng để xử lý sau năm 2020, đảm bảo không ô nhiễm cho môi trường.

Ông Kevin More, CEO VWS giới thiệu Khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước với đoàn doanh nghiệp Phần Lan.

Về lý do không đầu tư công nghệ tạo biogas từ rác, ông Kevin More cho biết, quá trình thu gom, xử lý tại VWS cho thấy, do rác chưa được phân hủy tại nguồn, nên quá trình xử lý ban đầu mất nhiều công sức và rất phức tạp. Dự án VWS thiết kế ban đầu để hình thành hệ thống thu gom xử lý và sản xuất phân compost phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, lượng rác thu về lại chưa đủ để phân loại và đủ tiêu chuẩn để tiến hành sản xuất phân compost như dự tính. Do vậy, dù được đầu tư nhưng dây chuyền này chưa phát huy hiệu quả.

Trong khi đó, nếu sử dụng công nghệ tạo khí biogas thì điểm hạn chế là không xử lý được mùi hôi, dễ có nguy cơ phát tán trong không khí. Từ thực tế này, VWS chọn hướng áp dụng công nghệ xử lý để tạo ra CNG, sau đó dùng CNG này làm năng lượng vận hành ngược lại cho tổ hợp xử lý, cũng như cung cấp cho hệ thống xe chuyên chở rác sử dụng CNG.

Nắm bắt và tuân thủ các nguyên tắc phát triển bền vững, VWS đã chủ động đầu tư hệ thống dây chuyền xử lý, ngay trong khâu xử lý công suất cũng thiết kế ở mức dự phòng cho các trường hợp đột xuất, quá tải… Chính do sự chủ động đầu tư, nên khi Thành phố có quyết định tăng khối lượng xử lý, VWS vẫn dễ dàng đáp ứng và có thể tiếp nhận đến hơn 500 xe rác/ngày, tương đương 10 tấn…

Chia sẻ về các thách thức khi vận hành VWS, ông Kevin More cho biết, về phía Thành phố, có đơn vị thu gom riêng, chi phí xử lý rác của Thành phố mới chỉ tính trên nền tảng rác sinh hoạt, chưa tính các loại rác chuyên biệt, rác nguy hại…, dẫn tới khó khăn của VWS trong khâu xử lý. Mặt khác, rác khi tiếp nhận luôn ở dạng hỗn hợp, nên VWS phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp xử lý và luôn có phương án dự phòng. “Nguyên tắc vận hành của VWS là phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đây là cam kết của Ban lãnh đạo VWS với lãnh đạo TP.HCM”, ông Kevin More khẳng định.

Bà Huỳnh Lan Phương, Phó tổng giám đốc VWS cho biết, VWS luôn sẵn sàng mở cửa giao lưu, kết nối công nghệ với các đối tác trong và ngoài nước vì quan điểm của VWS là sử dụng công nghệ hiện đại, hoạt động minh bạch và phát triển bền vững cùng cộng đồng.

“Biến” rác thải thành của cải

Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau chuyến thăm, ngài Petri Peltonen cho biết “Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước đang sử dụng các công nghệ xử lý rác tiên tiến. VWS đã đưa các công nghệ xử lý rác tối tân về Việt Nam để đầu tư vào đây. Với công nghệ tái xử lý như hiện tại, VWS đã sử dụng rác thải tạo ra của cải”.

Tuy nhiên, TP.HCM là thành phố lớn với sự phát triển mạnh, do vậy trong tương lai, Thành phố cần có thêm nhiều công nghệ mới xử lý rác đặc biệt là tận dụng xử lý rác thải thành năng lượng.

Trả lời câu hỏi về cơ hội hợp tác mở rộng đầu tư của Phần Lan trong lĩnh vực xử lý rác thải với Việt Nam nói chung và VWS nói riêng, ngài Petri Peltonen cho biết, ở Phần Lan hiện có nhiều công ty có khả năng, có kinh nghiệm cung cấp các giải pháp công nghệ cao.

“Trong chuyến công tác Việt Nam lần này, chúng tôi đã gặp gỡ và thảo luận với nhiều đối tác khác nhau để tìm hiểu các cơ hội đầu tư, chuyển giao các giải pháp xử lý rác để tái tạo năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất biogas… Tôi tin rằng, sự hợp tác giữa VWS với doanh nghiệp Phần Lan sẽ đưa ra giải pháp tối ưu hơn nữa để cung cấp các giải pháp xử lý rác, tái tạo năng lượng và cung cấp năng lượng tái tạo hữu hiệu”.

Trao đổi bên lề buổi gặp, ông Saku Liuksia, Giám đốc Chương trình Rác thải trở thành năng lượng và Năng lượng sinh học của Phần Lan (FinPro) cho biết, Việt Nam rất có tiềm năng phát triển các dự án năng lượng sạch từ nguồn rác thải đô thị và phế phẩm nông, lâm nghiệp.

“FinPro tập trung vào việc chuyển đổi rác thải thành năng lượng và năng lượng sinh học tại Việt Nam gần 2 năm nay. Do đó, chúng tôi hiểu rất rõ những thách thức, tiềm năng trong lĩnh vực chuyển đổi rác thải thành năng lượng tại Việt Nam”, ông Saku Liuksia nói và thông tin, đã có nhiều đoàn doanh nghiệp từ Phần Lan sang Việt Nam và ngược lại để tìm hiểu, học hỏi, cũng như trình diễn những công nghệ mới trong lĩnh vực này.

Thực tế, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp Phần Lan đầu tư, triển khai các dự án trong lĩnh vực này tại Việt Nam và đã có những tiến triển khả quan.

KAWET ấn tượng về công nghệ xử lý rác tại VWS

Mới đây, 42 chuyên gia thuộc Hiệp hội Hàn Quốc về công nghệ chất thải thành năng lượng (Korea Association of Waste To Energy Technology - KAWET) cũng đã đến tham quan Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của VWS...

Các chuyên gia về công nghệ môi trường của Hàn Quốc đã thật sự ấn tượng về quy mô, chất lượng kỹ thuật hạ tầng của Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước... Đoàn cũng đã dành nhiều thời gian trao đổi, tìm hiểu thêm về quy trình vận hành từ giai đoạn xe chở rác vào bãi, kiểm soát mùi. Đặc biệt, đoàn chuyên gia đã thật sự ấn tượng về quy trình quản lý nhân sự của VWS.

Trao đổi với truyền thông ngay sau chuyến thăm, ông Yongseung Yun, Chủ tịch KAWET, cho biết: "Chúng tôi thật sự ấn tượng về quy mô và công nghệ của Khu liên hợp xử lý chất thải Việt Nam. Công nghệ ở đây cao hơn hẳn công nghệ ở California và cũng cao hơn công nghệ đang sử dụng ở Hàn Quốc. Kết quả chuyến tham quan này sẽ làm cơ sở dữ liệu để chúng tôi nghiên cứu, đánh giá và lên kế hoạch cho việc đầu tư vào môi trường tại Việt Nam trong tương lai...”.

KAWET được thành lập năm 1996, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Hàn Quốc. Một trong những nhiệm vụ của Hiệp hội là giao lưu, trao đổi thông tin về công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng. KAWET hiện có hơn 500 thành viên, bao gồm các giáo sư, nhà nghiên cứu, thành viên Chính phủ và kỹ sư của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tin liên quan
Tin khác