Doanh nghiệp
Warren Eng, đồng sáng lập Hoczita.com: Khởi nghiệp “ngược dòng”
Hồng Phúc - 22/06/2017 13:24
Trong khi không ít start-up Việt Nam sang Singapore để khởi nghiệp, thì Warren Eng (quốc tịch Singapore) lại chọn Việt Nam cho dự án đầu tiên của mình gắn với ngành giáo dục.
Doanh nhân Warren Eng

Có duyên với giáo dục

Warren đến Việt Nam từ 1999 thông qua chương trình giao lưu văn hóa khi còn là sinh viên Đại học Quốc gia Singapore. Đến năm 2005, anh trở thành trưởng đại diện của một công ty Singapore chuyên phân phối máy ảnh Nikon tại Hà Nội. Một năm sau, anh làm Giám đốc marketing khu vực châu Á của Tập đoàn giáo dục Raffles, rồi chuyển sang làm Hiệu trưởng ERC Việt Nam. Sau hơn 7 năm làm việc tại đây, với mong muốn được tiếp xúc và hỗ trợ nhiều người hơn, năm 2016, anh sáng lập Hoczita.

Hoczita là một nền tảng học tiếng Anh online, cho phép người học đóng học phí theo từng buổi học, kèm theo đó, học viên có thể chủ động chọn chủ đề, chọn giáo viên yêu thích. Đến nay, Hoczita đã có hơn 4.000 học viên, 200 giáo viên từ các quốc gia khác nhau.

Theo đánh giá của Warren, Hoczita cũng như đa số các nền tảng học tiếng Anh online hiện nay, học viên tò mò, nên không duy trì được thói quen học thường xuyên. Điều này buộc các nhà điều hành phải thay đổi phương cách kích thích học viên tham gia các lớp học tự chọn, chủ động nhiều hơn.

Để giải quyết phần nào vấn đề này, tháng 5/2017, Hoczita đã ra mắt Ewallet (ví điện tử) để học viên tiện lợi hơn khi nạp tiền và mua khóa học. “Mọi người có nhu cầu học tiếng Anh online, nhưng chưa có thói quen trả tiền trực tuyến, vì vậy, chúng tôi phải liên kết với các đối tác như Giao hàng nhanh để giúp học viên thực hiện hình thức thanh toán khi nhận hàng để họ yên tâm hơn. Từ khi triển khai Ewallet, học viên thường xuyên đã tăng khoảng 40%”, Warren chia sẻ.

Thêm vào đó, Hoczita phải tìm cách cân đối giữa số lượng giáo viên và học viên, bởi có lúc học viên quá đông, trong khi giáo viên chỉ vài người đăng ký dạy.

“Chúng tôi vẫn đang phải tìm cách thức nào đó để cân đối số lượng học viên và giáo viên. Giáo viên buộc phải có sự chuẩn bị tốt, cách giảng dạy truyền cảm hứng tốt... mới có thể thu hút nhiều học viên đăng ký vào lớp đó. Lương của giáo viên sẽ phụ thuộc vào số lượng học viên đăng ký học”, Warren Eng cho biết.

Môi trường đa quốc gia

Hoczita có 2 đồng sáng lập là Warren (sinh năm 1976) và Pierre Woussen (người Anh, sinh năm 1984). Khi Warren làm việc tại ERC thì Pierre đang học MBA tại đây và làm giám đốc nhân sự của Ila Việt Nam. Một người chuyên tiếp xúc với học viên, người còn lại thường tiếp xúc với giáo viên và đều làm việc trong ngành giáo dục hơn 10 năm, nên quyết định cùng nhau hợp tác.

Dù vậy, cả hai đều không phải dân công nghệ, trong khi nền tảng này ứng dụng online, nên sau đó, họ đã hợp tác với một giám đốc công nghệ người Đan Mạch.

Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hợp tác thực hiện chuyên mục này.

Trao đổi ngắn cùng Warren Eng"

Theo kế hoạch, anh sẽ phải bù lỗ cho Hoczita đến khi nào?

Khoảng 2 năm nữa. Ngoài Hoczita, tôi còn làm một số công việc khác trong ngành như giám đốc điều hành của Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) để có thể tiếp xúc, giúp đỡ và truyền cảm hứng cho nhiều học sinh hơn.

Gia đình anh đều sống ở Singapore, vậy anh có ý định về nước sinh sống không nếu các dự án khởi nghiệp của mình không như mong đợi?

Hầu như cuối tuần nào tôi cũng về Singpore với gia đình, vì vậy, tôi nghĩ, không cần thiết phải về sống hẳn ở Singapore.

Trong khi nhiều start-up Việt Nam sang Singapore khởi nghiệp, thì anh lại làm ngược lại. Anh có thể giải thích lý do?

Singapore có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, như cho vay vốn, tư vấn... Đây là điểm mạnh của Singapore mà Việt Nam chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các chi phí đều rẻ hơn, trong đó có chi phí nhân công. Ví dụ, một lập trình giỏi ở Việt Nam có thể thuê với giá khoảng 700 USD/tháng, trong khi ở Singapore, chi phí này ít nhất phải 4.000 SGD (gần 2.900 USD)/tháng.

Tin liên quan
Tin khác