Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đến 15/4/2024 đạt 18,87 tỷ USD, tăng 34,78% so với cùng kỳ 2023. |
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố báo cáo: Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản tháng 4/2024.
Tại báo cáo này, WB nhận định, kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Sau khi trải qua giai đoạn giảm tốc trong năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có một số tín hiệu phục hồi vào đầu năm 2024, xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Quý I/2024, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66% so cùng kỳ năm trước
Cụ thể, theo WB, xuất khẩu theo giá so sánh dự kiến tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh nhu cầu toàn cầu dần cải thiện. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo cũng sẽ phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin.
Tổng đầu tư và tiêu dùng tư nhân theo giá so sánh dự kiến sẽ tăng tương ứng ở mức 5,5% và 5% trong năm 2024.
Nhu cầu bên ngoài vững chắc trong quý I/2024 tác động mạnh đến xuất khẩu hàng công nghiệp chế tạo của Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước nhờ xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh (tương ứng tăng 25,5% và 16,3% so với cùng kỳ năm trước).
Sự phục hồi của xuất khẩu diễn ra ở hầu hết các sản phẩm công nghiệp chế tạo chính, như máy tính, điện thoại, hàng dệt may, giày dép. Dữ liệu của Bộ Công thương đưa trước đó đều cho thấy, tăng trưởng quý I/2024 của các nhóm hàng này đều ở mức 2 con số.
Tuy vậy, Báo cáo chỉ ra, rủi ro và cơ hội đối với triển vọng dự báo về tăng trưởng nêu trên nhìn chung đang ở thế cân bằng.
Tăng trưởng thấp hơn dự kiến ở các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu của nước ngoài đối với các
mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ số Nhà quản lý Mua hàng (PMI) dao động quanh mức 50 trong quý I báo hiệu sự phục hồi mong manh.
Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị và thiên tai liên quan đến khí hậu gia tăng sẽ làm tăng rủi ro cho Việt Nam. Trong nước, tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản không được như dự báo có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, và ảnh hưởng đến đầu tư của khu vực tư nhân.
Dù vậy, nhìn theo hướng tích cực, tăng trưởng toàn cầu cao hơn dự kiến sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam phục hồi mạnh hơn dự kiến.
Tăng trưởng toàn cầu tốt hơn dự báo có thể hỗ trợ các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam phục hồi nhanh hơn. Kết quả kinh tế của Mỹ, cụ thể là tiêu dùng, có thể tiếp tục tăng hơn dự kiến, khiến cho nhu cầu với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tốt hơn so với giả định ban đầu.
Đồng thời, khi các quốc gia phát triển nới lỏng chính sách tiền tệ, chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế có thể được thu hẹp, nới lỏng chi phí huy động vốn trên toàn cầu, với tiềm năng đem lại tác động lan tỏa tích cực sang khu vực tài chính và ngân hàng ở Việt Nam.
Các chuyên gia của WB cho rằng: "Xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo đang và dự kiến sẽ tiếp tục phục hồi trong hai năm tới, dựa trên dự báo tăng trưởng nhẹ và nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia đối tác thương mại lớn như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi. Báo cáo của WB khuyến nghị: " Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công, giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1 điểm phần trăm cho mỗi mức tăng 1 điểm phần trăm trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP".
Năm 2023, kinh tế Việt Nam chững lại đáng kể khi cả 3 động lực tăng trưởng, bao gồm xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư của tư nhân trong nước đều mất đà.
Nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chủ lực hạ nhiệt khiến cho xuất khẩu năm 2023 giảm 2,5% (so cùng kỳ năm trước), so với tốc độ tăng 4,9% trong năm 2022. Xuất khẩu ròng hàng hóa và dịch vụ cũng giảm mạnh (-4,3% so cùng kỳ năm trước) trong điều kiện nhu cầu trong nước yếu đi.