Y tế - Sức khỏe
WHO cảnh báo sự lây lan nhanh của dịch Covid-19
D.Ngân - 11/01/2024 20:46
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 đưa ra cảnh báo về sự lây lan của dịch Covid-19 trong tháng vừa qua, khi số ca tử vong tăng chóng mặt.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, gần 10.000 ca tử vong liên quan đến Covid-19 đã được báo cáo trong tháng 12/2023, trong khi tỷ lệ nhập viện đã tăng 42% ở gần 50 quốc gia, chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ.

Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 đưa ra cảnh báo về sự lây lan của dịch Covid-19 trong tháng vừa qua, khi số ca tử vong tăng chóng mặt.

Đại diện WHO cũng khẳng định chắc chắn rằng các ca bệnh đang gia tăng ở những nơi khác dù chưa được báo cáo, đồng thời kêu gọi các chính phủ tiếp tục giám sát và đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, tiêm vắc-xin.

Thêm nữa, ông Tedros cho biết, biến thể JN.1 hiện là biến thể nổi trội nhất thế giới. Đây là một biến thể omicron, vì vậy các loại vắc-xin hiện tại vẫn có tác dụng bảo vệ nhất định.

Một đại diện khác của WHO cũng bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp trên toàn cầu do virus Corona cũng như cúm, virus rhovirus và viêm phổi.

Vị này dự đoán những xu hướng đó sẽ tiếp tục kéo dài từ tháng 1 đến những tháng mùa đông ở Bán cầu Bắc, đồng thời lưu ý rằng số ca mắc Covid-19 sẽ gia tăng ở Bán cầu Nam, nơi hiện đang là mùa hè.

Các quan chức của WHO khuyến nghị mọi người nên tiêm phòng khi có thể, đeo khẩu trang và đảm bảo các khu vực trong nhà được thông gió tốt.

TS.Michael Ryan, người đứng đầu bộ phận cấp cứu của WHO cho biết, vắc-xin có thể không ngăn việc bị nhiễm bệnh, nhưng vắc-xin chắc chắn làm giảm đáng kể khả năng phải nhập viện hoặc tử vong.

Trong nước, hiện tình hình mắc cúm A đang gia tăng đáng kể. Chuyên gia cảnh báo khi đồng nhiễm mắc cúm và Covid-19, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.

TS.Lê Bá Ngọc, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội khẳng định, Covid-19 vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn khỏi cộng đồng.

Hiện nay, mỗi tuần, cơ sở vẫn ghi nhận 3-4 người bệnh xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Thậm chí, có những trường hợp biến chứng nặng như viêm phổi, phải nhập viện điều trị.

Còn theo PGS-TS.Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện hầu hết người dân nếu mắc Covid-19 cũng đều tự điều trị.

Tuy nhiên, hậu quả Covid-19 vẫn rất đáng ngại với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhất là sau một thời gian đủ dài làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19.

Theo bác sĩ Lê Bá Ngọc, triệu chứng lâm sàng của người mắc Covid-19 cũng tương tự các dòng cúm mùa khác như mệt mỏi, ho, sốt, khạc đờm, khàn tiếng… khiến nhiều người chủ quan, không đi khám và điều trị kịp thời.

Đây là yếu tố nguy cơ cao dẫn tới bệnh diễn tiến nặng, thậm chí tử vong khi người bị bệnh nền, người suy giảm miễn dịch bị đồng nhiễm, bội nhiễm virus SARS-CoV-2 và các loại virus, vi khuẩn khác.

PGS-TS.Phạm Quang Thái cũng cho biết, với các yếu tố gây bệnh cùng xuất hiện đồng thời thì nguy cơ đồng nhiễm là hiện hữu. Và khi đồng nhiễm, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh.

Điều này không chỉ xảy ra khi đồng nhiễm Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác như sốt xuất huyết hay Adenovirus.

Chuyên gia này cũng nhận định, thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay là nguyên nhân làm xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm như: Cúm, sởi, rubella, ho gà...

Đây cũng là thời điểm nhu cầu giao thương, du lịch cuối năm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc các bệnh truyền nhiễm, lây truyền qua đường hô hấp. Những người mắc bệnh hô hấp mạn tính như phổi tắc nghẽn, hen phế quản… sẽ dễ trở nặng khi trời lạnh giá.

Bằng mọi cách phải giảm nhiều nhất nguy cơ có thể. Hiện nay, hầu như người dân không còn tiêm vắc-xin Covid-19, nhưng các bệnh truyền nhiễm khác có vắc-xin phòng bệnh nên người dân chủ động tiêm để tạo miễn dịch chéo, bảo vệ chính mình. Nên tránh nơi đông người, đeo khẩu trang khi có dấu hiệu bệnh hô hấp hoặc giữ vệ sinh cá nhân cũng sẽ giúp phòng bệnh.

Cúm và Covid-19 đều là những bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, do đó việc phòng ngừa và chẩn đoán cả 2 bệnh này đều nên được quan tâm.

Để giảm nguy cơ nhiễm virus gây ra Covid-19, cảm lạnh và cúm bằng cách tuân theo một số biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn. Các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để giảm nguy cơ mắc Covid-19, cảm lạnh và cúm bao gồm:

Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn có chứa ít nhất 60% cồn.

Tránh không gian đông đúc trong nhà. Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng. Làm sạch và khử trùng các bề mặt dễ tiếp xúc, như tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử... Tiêm phòng cúm hàng năm và khi có thể hãy tiêm phòng covid-19.

Tin liên quan
Tin khác