Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phải giảm thuế xăng dầu để bình ổn thị trường này.
PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). |
Nhiều chuyên gia dự báo, giá xăng dầu thế giới sẽ vượt 120 USD/thùng, thậm chí cuối năm nay còn tăng cao hơn. Còn ông dự báo thế nào?
Hiện tại, giá dầu thô giao dịch trên thị trường thế giới vào khoảng 80 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014. Từ nay đến cuối năm, xu hướng tăng giá vẫn còn, nhưng tôi nghĩ, giá dầu thô chỉ dao động quanh ngưỡng 100 USD/thùng.
Sau khi phục hồi khá mạnh trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã chững lại, khiến nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm. Trước diễn biến của đại dịch, nhiều nước đã không thể thực hiện được chính sách “Zero Covid”, các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… đã dự báo hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, dự báo hạ khá mạnh đối với các cường quốc kinh tế so với dự báo của chính họ trước đó, nên nhu cầu sử dụng xăng dầu không cao như dự kiến ban đầu.
Hơn nữa, trong khi đại dịch vẫn còn, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhận định, tăng trưởng kinh tế thế giới phục hồi mạnh mẽ như 6 tháng đầu năm chỉ là nhất thời trước khi bệnh dịch được kiểm soát hoàn toàn. Vì thế, OPEC+ quyết không tăng sản lượng vì giá dầu quanh ngưỡng 100 USD/thùng thì họ là người được hưởng lợi nhiều nhất. Chính vì vậy, giá dầu vẫn còn tăng do nhu cầu sử dụng cao, đặc biệt là những tháng cuối năm, nhưng cũng chỉ quanh 100 USD/thùng.
Ngay cả khi giá dầu chỉ ở mức 100 USD/thùng, thị trường bán lẻ xăng dầu trong nước cũng lao đao. Trong một năm qua, giá xăng dầu bán lẻ chỉ giảm 3 lần và 3 lần giữ giá, nhưng tăng tới 17 lần, đặc biệt là tăng liên tiếp 3 lần trong vòng một tháng qua...
Từ tháng 11/2020 đến nay, giá xăng A95 tăng 9.390 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 9.010 đồng/lít và giá dầu diesel tăng 7.500 đồng/lít. Giá xăng dầu hiện đã tăng 51,26% so với cùng kỳ năm trước và nếu không kiềm chế, sẽ “phá đỉnh” từng xác lập vào tháng 6/2014.
Là nước xuất khẩu dầu thô, nên khi giá dầu thế giới tăng, Việt Nam cũng được hưởng lợi. Trong 9 tháng đầu năm, giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam đạt 72,3 USD/thùng, tăng 27,3 USD/thùng so với giá dự toán, nên ngân sách nhà nước đã thu về từ dầu thô 29.400 tỷ đồng, bằng 127% dự toán.
Nhưng giá dầu thế giới tăng khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng gần như liên tục trong một năm qua đã tác động lớn đến sản xuất - kinh doanh. Doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải đã phải vật lộn để tồn tại trong đại dịch, giờ vừa bắt đầu tái hoạt động một phần, đã phải đối phó với giá xăng dầu tăng. Nếu không kịp thời can thiệp để giảm, ít nhất là giữ được giá xăng dầu bán lẻ, thì nhiều ngành hàng bị đình đốn, tác động tiêu cực đến việc kiểm soát Chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Thưa ông, CPI vẫn đang được kiểm soát rất tốt?
CPI bình quân 10 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,81%, còn thấp xa so với mức “trần” 4% được Quốc hội cho phép, nên việc kiểm soát giá năm nay không còn là vấn đề lớn. Nhưng năm 2022, việc kiểm soát CPI là nhiệm vụ vô cùng khó, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu ngay từ bây giờ. Khi CPI không được kiểm soát, sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.
Để kiểm soát giá bán lẻ xăng dầu, Việt Nam đã có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?
Trên thế giới, chỉ còn rất ít nước có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, nhiều nước từng có quỹ này nhưng chỉ nhằm trợ giá cho người nghèo, vừng sâu, vùng xa và cũng đã bỏ. Giá xăng dầu tăng liên tục hơn một năm khiến đầu vào (trích quỹ) giảm, đầu ra (xả quỹ) tăng, nên nhiều doanh nghiệp đã bị âm quỹ này.
Dù âm quỹ, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối vẫn phải xả quỹ, tức là bị thâm vào vốn. Khi bị thâm vào vốn, kinh doanh khó khăn, thì việc vay ngoại tệ của ngân hàng để nhập khẩu xăng dầu không phải dễ, nếu không có sự bảo lãnh của Nhà nước. Trong trường hợp không được bảo lãnh, doanh nghiệp không vay được tiền để nhập khẩu dẫn đến thiếu nguồn cung, thì hệ lụy tác động tới nền kinh tế vô cùng lớn.
Theo ông, phải làm cách nào bây giờ?
Có 2 van để bình ổn thị trường xăng dầu: Quỹ Bình ổn xăng dầu và thuế. Van thứ nhất đã bị âm, nên cách duy nhất bây giờ là xem xét giảm thuế đối với xăng dầu.
Hiện xăng dầu chịu 4 loại thuế gồm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, chiếm 42-43% giá bán xăng dầu. Trong đó, khả dĩ nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường vì đây thuộc thẩm quyển của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020 và 2021, trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Nhưng nếu giảm thuế bảo vệ môi trường vẫn không kiềm chế được giá bán lẻ xăng dầu trong nước do giá dầu thô thế giới tăng thì sao, thưa ông?
Khi đó, cần phải giảm thuế giá trị gia tăng có thời hạn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 giảm thuế giá trị gia tăng cho một số lĩnh vực, ngành hàng. Bộ Tài chính nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung mặt hàng xăng dầu vào đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng. Giảm thuế giá trị gia tăng với xăng dầu trúng được nhiều mục đích như cứu được ngành giao thông, các ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu, giảm được đầu vào của sản xuất - kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát.