Xác định địa vị pháp lý ngành thống kê
Hàn Tín - 13/03/2015 08:42
Cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lĩnh vực thống kê là một trong những nội dung được thảo luận nhiều nhất khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi tại Phiên họp thứ 36.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Chấm dứt sự can thiệp vào hoạt động thống kê
Thấy gì khi CPI giảm tháng thứ 4 liên tiếp
Không thể có ICOR riêng cho từng khu vực kinh tế
Nắm “chân tơ kẽ tóc” từng dự án, công trình

Theo Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê; trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hệ thống tổ chức thống kê tập trung.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để cơ quan thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư như hiện nay là phù hợp nhất. Ảnh: Mạnh Bôn

Thảo luận về nội dung này tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào tuần trước, đa số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan thống kê Trung ương thuộc Chính phủ, để bảo đảm tính minh bạch, khách quan, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê. Một số ít ý kiến đề nghị Cơ quan thống kê Trung ương do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Tuy nhiên, thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 11/3, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Một số ý kiến khác tán thành giữ nguyên địa vị pháp lý của Tổng cục Thống kê như hiện nay (là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vì hệ thống tổ chức thống kê hiện nay đang vận hành có hiệu quả, cần ổn định cơ cấu tổ chức, tránh phát sinh thêm biên chế”.

Ở nhiều nước trên thế giới, cơ quan thống kê chủ yếu trực thuộc bộ có chức năng quản lý nhà nước tương tự Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, như cơ quan thống kê của Pháp thuộc Bộ Kinh tế tài chính, cơ quan thống kê của Hà Lan thuộc Bộ Kinh tế, cơ quan thống kê của Hàn Quốc thuộc Bộ Chiến lược tài chính… Ở một số ít quốc gia, cơ quan thống kê chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan khác như Romania thuộc Văn phòng Chính phủ, Thụy Điển thuộc Bộ Tài chính, Ba Lan thuộc Chính phủ, Trung Quốc thuộc Hội đồng Nhà nước, Nhật Bản thuộc Bộ Nội vụ và Thông tin, Mông Cổ thuộc Quốc hội, Nga thuộc Chính phủ…

“Tại Việt Nam, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực thống kê do Quốc hội quyết định. Nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có khoảng 7.270 biên chế, trong đó bộ máy của ngành Kế hoạch và Đầu tư chỉ có khoảng 670 người, trong khi ngành thống kê có tới 6.600 người. Bộ máy của ngành Kế hoạch và Đầu tư rất mỏng, rất thiếu, muốn tăng biên chế rất khó vì mang tiếng là bộ lớn, đông quân. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, chúng tôi vẫn muốn tiếp tục gắn bó với ngành thống kê”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh chia sẻ tâm tư với các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo Luật Thống kê sửa đổi.

“Nếu tôi bảo vệ quan điểm tiếp tục để Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước trong lĩnh vực thống kê thì có người nói chúng tôi thiếu khách quan, vì vậy, tôi mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đại diện ngành thống kê bày tỏ quan điểm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Kể từ khi thành lập (ngày 6/5/1946) đến nay, có thời kỳ ngành thống kê thuộc Chính phủ, và nay thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Phát biểu thẳng thắn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Tổng cục Thống kê trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phù hợp nhất, bởi tiếp tục cung cấp được thông tin, số liệu, dữ liệu kịp thời, khách quan, trung thực cho các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ các bộ, ngành trong việc hoạch định, xây dựng kế hoạch, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như của từng ngành, từng lĩnh vực trong cả nước.

“Với địa vị pháp lý như hiện nay, mọi công việc được chúng tôi báo cáo trực tiếp với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và với tư cách là thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo trực tiếp với Chính phủ, Quốc hội về các số liệu, dữ liệu thống kê quốc gia. Còn nếu thuộc Chính phủ, Tổng cục Thống kê chỉ là cơ quan trực thuộc, nên không thể trực tiếp báo cáo được các số liệu này với cơ quan có trách nhiệm”, ông Lâm phát biểu.

Vẫn theo ông Lâm, hầu hết chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch vùng, lãnh thổ, lĩnh vực đều do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Muốn xây dựng được chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hàng năm cũng như cả giai đoạn hay từng thời kỳ hiệu quả, sát thực tiễn thì bắt buộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải có số liệu, dữ liệu khách quan, trung thực, kịp thời do cơ quan thống kê cung cấp. Vì vậy, việc giữ nguyên địa vị pháp lý của ngành thống kê như hiện nay sẽ giúp Quốc hội, Chính phủ đưa ra được kế hoạch, chiến lược, quy hoạch và điều hành kinh tế - xã hội tốt hơn, hiệu quả hơn”, ông Lâm.

Liên quan việc một số quan điểm nhận định, để Tổng cục Thống kê thuộc Chính phủ thì số liệu, dữ liệu thống kê sẽ khách quan hơn, trung thực hơn, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, quan điểm này không thuyết phục.

“Hệ thống thống kê nằm ở 63 tỉnh, thành phố, chứ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không trực tiếp làm, không can thiệp vào số liệu do cơ quan thống kê hoặc các bộ, ngành gửi lên để tổng hợp, báo cáo Chính phủ. Tôi khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa bao giờ can thiệp vào số liệu do các cơ quan gửi tới để làm đẹp báo cáo vì bất cứ mục đích nào”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Tin liên quan
Tin khác