Cân nhắc kỹ trước khi đầu tư
Pharmalink là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp trong ngành dược, lấy công nghệ làm nền tảng cốt lõi. Từ thực tế thị trường và kinh nghiệm hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm qua, ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc điều hành Pharmalink chia sẻ, thông thường, có 3 mục tiêu để chủ nhà thuốc quyết định xây dựng nhà thuốc online bên cạnh nhà thuốc hiện hữu.
Một là, tận dụng công cụ để bán hàng trên các nền tảng trực tuyến theo cách tiết kiệm nhất có thể.
Hai là, muốn quảng bá, xây dựng thương hiệu nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, khi doanh số tại cửa hàng thuốc truyền thống đã tương đối ổn định.
“Mục tiêu thứ ba là điều hầu như ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng làm được. Đó là thiết lập hệ thống vận hành giống công ty kinh doanh online”, ông Nam nói.
Theo CEO Pharmalink, để đạt mục tiêu này, chủ nhà thuốc phải đầu tư xây dựng đội ngũ và quy trình vận hành kinh doanh online. Ngoài quảng cáo tiếp thị trên môi trường Internet (marketing online), các nhà thuốc còn phải gia tăng mức độ hiện diện của mình bằng các hình thức quảng cáo khác như tin nhắn SMS, biển quảng cáo ngoài trời…
“Mọi người thường quan tâm về việc nên bán mặt hàng nào cho nhà thuốc ‘trên mây’, nhưng theo tôi, trước tiên, chủ nhà thuốc cần cân nhắc kỹ xem có nên đầu tư vào kênh online hay không, vì điều đó liên quan đến nguồn lực mà chúng ta sẵn sàng chi ra”, ông Hoài Nam chia sẻ thêm.
Cẩn trọng với nhóm thuốc kê toa
Trong trường hợp quyết tâm xây dựng nhà thuốc online bên cạnh cửa hàng hiện hữu, thì nhà thuốc nên lựa chọn bán những sản phẩm nào?
Theo ông Vũ Hoài Nam, trong các quy định hiện nay, chưa có điều khoản nào cho phép hay cấm bán thuốc online, nhưng nếu đăng tải các loại thuốc bán theo đơn bác sĩ (ETC) trên hệ thống website và bị cơ quan chức năng phát hiện, chắc chắn, nhà thuốc đó sẽ bị phạt và điều này sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu tại kênh bán hàng truyền thống hiện có.
Nghĩa là, nhà thuốc không được bán các loại thuốc kê đơn online cho những đối tượng không phải là người hành nghề khám bệnh và chữa bệnh.
Ví dụ, khi truy cập vào website của nhà thuốc An Khang (thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động), người dùng sẽ không tìm hiểu được thông tin về các loại thuốc ETC nếu không xác nhận bản thân là dược sĩ, bác sĩ, chuyên viên y khoa… có nhu cầu tìm hiểu về sản phẩm.
Hay với website của nhà thuốc Long Châu, người dùng chỉ có thể tìm hiểu các thông tin liên quan về một loại thuốc thuộc nhóm ETC, nhưng không thể mua online.
Đối với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm, có thể bán online, nhưng theo ông Nam, nhà thuốc nên lựa chọn chủng loại thỏa mãn một số tiêu chí như: sản phẩm phải có lợi nhuận tối thiểu trên 50%; không kinh doanh sản phẩm bị loạn giá trên thị trường…
“Để có một đơn hàng online giá trị từ 700.000 đồng trở lên, thì chi phí marketing trên một khách hàng rất lớn, thường mất từ 200.000 - 300.000 đồng”, ông Nam chia sẻ lý do nhà thuốc phải chú ý các tiêu chí trên để đảm bảo lợi nhuận kinh doanh.