Với đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 19 kể từ đầu năm, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng thêm 8.520 đồng, còn xăng E5 “đội giá” 8.150 đồng. |
Giá dầu thô trên thị trường thế giới đã cán mức 84-85 USD/thùng và vẫn tiếp tục đà leo thang. Trong nước, giá xăng dầu bán lẻ tăng lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 2 tháng và đã tiến sát ngưỡng kỷ lục, tác động tiêu cực đến việc kiểm soát giá.
Giá xăng dầu tăng, Việt Nam bất lợi
Với đợt điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu lần thứ 19 kể từ đầu năm vào chiều ngày 10/11/2021, mỗi lít xăng RON 95 đã tăng thêm 8.520 đồng, còn mỗi lít xăng E5 “đội giá” 8.150 đồng. Với mức giá 23.660 đồng/lít với xăng E5 và 24.990 đồng/lít đối với xăng RON 95, giá xăng dầu đứng trước “cơ hội” phá kỷ lục được thiết lập vào tháng 7/2013 ( 25.070 đồng/lít) vì giá dầu thô trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục đà tăng sau khi đã thiết lập mức giá 84-85 USD/thùng.
Là quốc gia vừa có hoạt động khai thác dầu thô, vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về sử dụng, tuy nhiên, theo các chuyên gia, đặt lên bàn cân, việc giá xăng dầu thế giới tăng Việt Nam gặp bất lợi hơn rất nhiều.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu như năm 2020, Việt Nam khai thác được 11,47 triệu tấn dầu thô, thì năm 2021 giảm xuống chỉ còn 10,23 triệu tấn và mục tiêu năm 2022 chỉ còn 8,74 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước tăng từ 11,948 triệu tấn năm 2020 lên 13,71 triệu tấn vào năm 2021 và 14,18 triệu tấn vào năm 2022.
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, trong tháng 10/2021, dầu thô đóng góp vào ngân sách nhà nước 3.800 tỷ đồng, tương đương tháng 9/2021, và 10 tháng đầu năm thu 33.200 tỷ đồng. Bộ Tài chính dự kiến, năm nay, dầu thô đem về cho ngân sách quốc gia 35.200 tỷ đồng, chỉ tăng khoảng 600 tỷ đồng so với năm 2020, trong khi giá dầu thô thanh toán đạt khoảng 76 USD/thùng, bằng 170% giá dự toán (45 USD/thùng).
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) thu ngân sách nhà nước năm 2022 hết sức khó khăn, trong đó nhu cầu chi tiêu vô cùng lớn, là một quốc gia có dầu mỏ, tỷ trọng nguồn thu từ dầu mỏ trong tổng thu ngân sách hàng năm mặc dù giảm dần nhưng về số tuyệt đối vẫn rất lớn. Việt Nam cũng muống tăng sản lượng khai thác, nhưng năng lực khai thác có giới hạn, trữ lượng mỏ sau một thời gian khai thác đã giảm mạnh, vì vậy, dù có nỗ lực cố gắng nhưng sản lượng khai thác cũng chỉ tăng có mức độ.
“Không thể kỳ vọng tăng thu dựa vào dầu thô. Chưa kể thị trường dầu thô thế giới rất khó đoán định, có lúc dự toán giá cao thì giá lại xuống thấp, có lúc dự toán thấp thì giá lại tăng cao, như năm 2021 dự toán giá dầu 45 USD/thùng thì giá bán bình quân đạt trên 70 USD”, ông Tân cho biết.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ và đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Nguyên nhân, theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê do có nhiều yếu tố khiến mặt bằng giá cả giảm như giá các mặt hàng thực phẩm 10 tháng giảm 0,4%; EVN giảm giá điện cho khách hàng và giảm giá điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên giá điện sinh hoạt bình quân 10 tháng năm 2021 giảm 1,19%; ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá vé máy bay giảm gần 22%, giá du lịch trọn gói giảm 2,54%...
Tuy nhiên, theo bà Oanh, cùng với việc giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới (do bị tác động trực tiếp bởi giá dầu thô) tăng 23,81%; giá bán lẻ xăng dầu tăng 27,23% đã làm cho CPI tăng 1,13% trong tổng mức tăng chung 1,81% trong 10 tháng đầu năm. Như vậy có thể nói, xăng dầu đã và đang là nhân tố quyết định đến việc kiểm soát CPI năm 2022 là dưới 4% theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 sắp được Quốc hội thông qua. Còn năm 2021, việc kiềm soát giá coi như đã hoàn thành mục tiêu.
Xăng dầu khó vượt 100 USD/thùng
Việc kiểm soát CPI năm 2022 ở mức khoảng 4% như yêu cầu của Quốc hội, theo bà Oanh là một thách thức không nhỏ vì giá dầu thô trên thị trường thế giới rất khó đoán định.
Theo dự báo của TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Công nghiệp và thương mại, (Bộ Công thương), giá dầu thô thế giới vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới, nhưng khó có thể tăng cao đột biến và cũng chỉ xoay quanh ngưỡng 100 USD/thùng.
“Với mức giá xoay quanh 100 USD/thùng các thành viên OPEC và OPEC+ đã tối ưu hóa lợi nhuận nên họ không dại gì để giá dầu tiếp tục leo thang vì phải cạnh tranh với dầu đá phiến của Mỹ. Khi giá dầu chạm ngưỡng này, không thành viên OPEC, OPEC+ nào không gia tăng sản lượng khai thác vì quốc gia nào cũng vì lợi ích của họ. Mặc dù OPEC có cam kết về sản lượng khai thác nhằm “bình ổn” giá dầu, nhưng vì lợi ích của mình nên dù có cam kết thì hiện tượng ngấm ngầm nâng sản lượng vẫn xảy ra. Chưa kể, nếu OPEC không tăng sản lượng, thì các thành viên ngoài OPEC cũng tăng sản lượng khai thác vì họ không phụ thuộc vào các cam kết”, ông Phương dự báo.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng dự báo giá dầu thế giới vẫn xu hướng tăng nhưng khó vượt quá 100 USD/thùng.
Giá dầu thế giới trong đà leo thang nhưng OPEC và OPEC+ vẫn khai thác “nhỏ giọt” bất chấp chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đánh tiếng sẽ “trả đũa” nếu OPEC không gia tăng sản lượng khai thác, theo ông Long: “OPEC đã tính toán, kinh tế thế giới sẽ không tăng trưởng nhanh như dự báo do làn sóng Covid-19 quay trở lại tại nhiều nước trên thế giới khiến nhu cầu sử dụng năng lượng không tăng đột biến nên không nhất thiết phải tăng sản lượng như mong muốn của cường quốc kinh tế”.
“Với mức giá xung quanh 100 USD/thùng, OPEC có lợi, nền kinh tế thế giới cũng… chấp nhận được. Vì vậy, OPEC sẽ không để giá dầu thô vượt mức này”, ông Long dự báo.
Hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới xung quanh mức 84-85 USD/thùng, và nếu dự báo giá dầu lên 100 USD thì trong thời gian tới mặt hàng “vàng đen” vẫn tiếp tục đà lên dốc. Trong trường hợp này, theo ông Long, để kiểm soát giá xăng dầu trong nước, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát, giải pháp duy nhất lúc này là giảm các loại thuế, phí đang đánh trực tiếp vào xăng dầu.
“Quốc hội, Chính phủ đã tính đến gói hỗ trợ thứ hai nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Có lẽ nên giảm 50% thuế giá trị gia tăng có thời hạn đối với mặt hàng xăng dầu (từ 10% xuống 5%). Việc giảm thuế giá trị gia tăng không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mà còn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân sử dụng xăng dầu đồng thời còn góp phần kiểm soát lạm phát bởi xăng dầu tác động vào CPI rất lớn”, ông Long đề xuất.