Cơ sở mới của bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội (HFH) vừa được đưa vào sử dụng trong giai đoạn hoàn thiện. Đây sẽ là bước khởi đầu cho hành trình “Xanh” của HF trong thời gian tới.
Ông Lucien Blanchard, lãnh đạo HFH cho biết: “Chúng tôi bắt đầu có chương trình hành động theo Chỉ thị số 08/CT - BYT của Bộ Y tế về giảm rác thải nhựa trong ngành y tế cho một số phòng ban. Những bộ phận còn lại chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện vào cuối năm 2020”.
“Chúng tôi đã chuyển từ sử dụng ông hút bằng nhựa sang bằng giấy, sử dụng túi nhựa có khả năng phân hủy thay vì túi nhựa truyền thống, và hiện nay tại bệnh viện chúng tôi chỉ sử dụng găng tay cao su…”.
Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc chú trọng từ thu gom, phân loại, và tiêu hủy rác thải nhựa từ bệnh viện |
Thách thức để phát triển “xanh”
Theo ông Lucien Blanchard, thách thức với bệnh viện trong chiến lược phát triển xanh đó là thiếu sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ và sản phẩm “xanh” thân thiện môi trường. “Hiện nay, có rất ít các sản phẩm “xanh” đủ tiêu chuẩn trên thị trường. Mặc dù vậy, chúng tôi đang từng bước tìm kiếm giải pháp để có thể phát triển “xanh” hơn trong thời gian tới.
Trên thực tế, HFH không phải là bệnh viện duy nhất đang đối mặt với thách thức. Nhiều bệnh viện và cơ sở y tế khác cũng đang gặp vấn đề tương tự.
Bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc là bệnh viện chuẩn Singapore đầu tiên tại Việt Nam cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến vấn đề nhà cung cấp các sản phẩm “xanh”.
Ông Karim Mohammad Zakirul, Giám đốc Quản lý chất lượng bệnh viện cho biết: “Thách thức lớn nhất trong quá trình phát triển xanh đó là thay đổi nhận thức của mọi người và cả nhà cung cấp. Mặc dù biết ảnh hưởng của nhựa đối với Trái Đất, các nhà cung cấp vẫn chỉ luôn nghĩ đến chi phí sản phẩm và vẫn thích sử dụng nhựa không thể phân hủy trong quá trình đóng gói. Sẽ hiệu quả hơn nếu có một chương trình quốc gia đủ mạnh để buộc họ phải thay đổi nguyên liệu đóng gói”.
Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi tại tỉnh Nghệ An, nhiều sản phẩm như găng tay, các loại thuốc men, dây chuyền, kim tiêm vẫn chủ yếu là vật liệu nhựa hoặc sử dụng vật liệu nhựa, nilong bao gói sản phẩm…
“Những khó khăn nhất định của bệnh viện là khi thực hiện một số vẫn còn theo thói quen, nếp sống cũ, thích sử dụng đồ nhựa vì “nhanh - rẻ - tiện lợi”; mặt khác, việc sử dụng các vật liệu thay thế không dễ dàng,” bác sĩ Nguyễn Văn Khởi, Chủ tịch HĐQT bệnh viện nói.
Theo báo cáo nhanh từ các bệnh viện, khoảng 5% rác thải y tế là rác thải nhựa, tương đương khoảng 22 tấn/ngày.
Bộ trưởng Bộ Y Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết "cuộc chiến" giảm rác thải nhựa sẽ là cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra các doanh nghiệp mới để nghiên cứu, sáng tạo các sản phẩm thay thế những sản phẩm nhựa dùng 1 lần.
"Trong kế hoạch phê duyệt đấu thầu, mua sắm phải giảm bớt, hạn chế tối đa các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Thứ hai là trong chuyên môn từ khoa dược, khoa điều trị nội trú, khoa khám bệnh ngoại trú cho đến các khoa dinh dưỡng, thiết chế, phục vụ thức ăn, bếp ăn, nhà ăn... thực hiện lời kêu gọi: Ngay từ hôm nay phải giảm thiểu tối đa sản phẩm nhựa dùng 1 lần", Bộ trưởng Tiến cho biết.
Cần thêm kế hoạch hành động đủ mạnh
HFH đang xem xét thay bình đựng nước bằng nhựa bằng bình đựng bằng thủy tinh. Tuy nhiên, việc này hy vọng sẽ thực hiện được trong năm 2020. bệnh viện này cũng đang thảo luận về việc sử dụng mẫu máu đựng trong hộp hay khay thay vì sử dụng túi nhựa, cũng như sử dụng hộp để đựng gạc thay vì sử dụng túi nhựa như hiện nay.
Tại bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc, giám sát việc sử dụng và giảm sử dụng đồ nhựa là một phần quan trọng trong chương trình phát triển xanh của bệnh viện.
“Chúng tôi luôn đối thoại với nhà cung cấp về vật liệu đóng gói, và sản phẩm cho bệnh viện. Chúng tôi cũng có cả kiểm toán quản lý giám sát rác, họ sẽ kiểm toán việc thu gom, phân loại, và tiêu hủy rác thải nhựa từ bệnh viện”, ông M Zakirul Karim nhấn mạnh.
Tại Bệnh viện Quốc Tế City – bệnh viện đầu tiên trong Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangrila (TP.Hồ Chí Minh) cũng đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường lượng rác thải nhựa được thu gom tái chế từ 10% năm 2019 lên 30% năm 2020.
Ông Trần Quốc Bảo, Giám đốc Kế hoạch và Tiếp thị bệnh viện cho biết: “Với tiêu chí tiến đến 2020, bệnh viện hướng tới phát triển bền vững bằng cách đạt tiêu chuẩn Joint Commission International (JCI)".
Với Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, giảm thiểu chất thải nhựa trong toàn viện sẽ được đẩy mạnh hơn vào năm tới. Cụ thể, trong quá trình thực hiện mua sắm các dụng cụ, trang thiết bị, vật tư y tế, bệnh viện sẽ ưu tiên các vật liệu thân thiện với môi trường và các hãng cung cấp dịch vụ thân thiện với môi trường. Tương lại bệnh viện sẽ xây dựng thêm một cơ sở khám chữa bệnh mới với 2/3 diện tích sẽ được sử dụng để trồng cây, công viên, hồ điều hòa, khu sinh thái, vành đai xanh.
Theo các chuyên gia, những nỗ lực của các bệnh viện thời gian qua rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn là chưa đủ. Để ngành y tế phát triển xanh và bền vững hơn, cần nhiều nỗ lực và hành động cụ thể hơn từ các bệnh viện và các cơ sở y tế trong thời gian tới.