Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và Công ty Visa ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy công nghệ thanh toán điện tử, hỗ trợ các phương thức di chuyển thông minh tại TP.HCM. |
Nỗ lực quản lý giao thông để xây dựng đô thị thông minh
Với dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM là điểm nóng về an toàn giao thông. Tắc nghẽn giao thông không chỉ làm tê liệt thành phố vào giờ cao điểm, mà còn tăng lượng khí thải độc hại. Tình trạng thiếu phương tiện giao thông công cộng cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người dân.
Do đó, lĩnh vực giao thông đóng vai trò quan trọng trong Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Theo đề án này, TP.HCM sẽ ứng dụng các công nghệ 4.0 trong đời sống hằng ngày tại Thành phố với việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, trung tâm hành chính, trung tâm bảo mật thông tin, viện nghiên cứu và dự báo.
TP.HCM đã thành lập Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông thông minh nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho một đô thị thông minh của Thành phố. Trung tâm đã được đưa vào hoạt động giai đoạn I (trước Tết Nguyên đán năm 2019) với 4 chức năng chính, gồm: giám sát giao thông, điều khiển giao thông, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ phối hợp xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên phạm vi Thành phố.
Với chức năng giám sát giao thông, Trung tâm dựa trên sự kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông đặt rải rác khắp thành phố, tích hợp với hệ thống hơn 60 màn hình có độ phân giải cao. Chức năng điều khiển giao thông được vận hành nhờ sự kết nối với 216 tủ điều khiển tín hiệu giao thông trên 78 tuyến đường chính ở các quận trung tâm và 28 nút giao thông trên các tuyến đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống.
Trong khi đó, chức năng cung cấp thông tin giao thông được thực hiện thông qua 70 bảng thông tin giao thông điện tử đặt ở các tuyến đường và nút giao thông chính nhằm hỗ trợ người dân tham gia giao thông.
Người dân có thể truy cập ngay vào trang web của Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM để xem tình hình giao thông trên lộ trình sắp di chuyển và nắm thông tin về các nút giao thông bị ùn tắc, vị trí trạm xăng, công trình xây dựng hay bãi đậu xe. Cổng thông tin giao thông Thành phố còn có ứng dụng riêng để người dân tham gia giao thông có thể tải về sử dụng trên nền tảng điện thoại thông minh rất thuận tiện.
Chức năng phối hợp, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông được thực hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông, với 9 điểm kiểm soát tốc độ tự động và 6 điểm kiểm soát tải trọng phương tiện... Tất cả đều được ghi nhận và chia sẻ cho Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và lực lượng liên quan để phối hợp xử lý các phương tiện vi phạm.
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 cho biết, cổng thông tin trực tiếp giám sát tình hình giao thông, các địa điểm ùn tắc, kẹt xe, các vụ tai nạn giao thông trên các tuyến đường. Tiếp đó, Trung tâm chỉ huy sẽ báo cho lực lượng chức năng trên địa bàn xảy ra sự cố để chủ động phối hợp xử lý.
Trong giai đoạn II, dự kiến sau năm 2020, TP.HCM sẽ thực hiện hoàn thành Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (ITS) với quy mô toàn Thành phố, có tổng vốn đầu tư 250 triệu USD. Khi đó, Trung tâm sẽ ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý hạ tầng giao thông và tăng cường năng lực quản lý, đảm bảo an toàn giao thông và tính bền vững. Để thực hiện những mục tiêu này, ITS sẽ lắp đặt hệ thống thu phí thông minh, xe buýt nhanh, bảng đèn LED, hệ thống đèn đỏ và giám sát lưu lượng giao thông.
Đến nay, nhiều nhà đầu tư và đơn vị tư vấn nước ngoài đến từ Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ TP.HCM trong nỗ lực quản lý giao thông.
Lĩnh vực thanh toán cho giao thông thông minh
Trong những vấn đề về giao thông mà TP.HCM đang cố gắng giải quyết để thực hiện chiến lược xây dựng thành phố thông minh, thanh toán là một lĩnh vực trọng tâm không thể thiếu. Ở các thành phố phát triển trên thế giới, thanh toán kỹ thuật số đã thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng bởi tính tiện lợi và dễ dàng cho hành khách.
- Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào
Một ví dụ đáng chú ý là, giao thông của TP. London tại Anh. Thống kê cho thấy 2,5 triệu hành trình được thực hiện bằng công nghệ thanh toán thẻ không tiếp xúc trên tuyến xe buýt, tàu điện ngầm và tàu hỏa mỗi ngày. Kể từ năm 2016, tỷ lệ các chuyến “đi đến đâu, trả đến đó” được thực hiện bằng hệ thống thanh toán thẻ không tiếp xúc của London đã tăng từ 25% lên hơn 50% trên tổng số chuyến đi.
Có nhiều lý do cho câu chuyện thành công này. Đầu tiên, London đã có sẵn các công nghệ nền tảng như thẻ chip dựa trên các tiêu chuẩn Europay, Mastercard và Visa (EMV). Thứ hai, giao thông của thành phố này đã cho phép thanh toán thẻ không tiếp xúc trên tất cả các phương thức vận chuyển, tạo thuận tiện cho người dùng.
Tương tự, kể từ ngày 6/6/2019, người dùng phương tiện giao thông công cộng ở Singapore có thể thực hiện các khoản thanh toán thẻ không tiếp xúc thông qua hệ thống Simlygo, với thẻ Visa được tích hợp từ tháng 4. Công ty Visa cũng kỳ vọng, động thái này sẽ thúc đẩy tỷ lệ sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc cao hơn tỷ lệ 80% hiện tại.
Khi kết hợp với việc chuyển sang thiết bị di động và thiết bị đeo, thanh toán thẻ không tiếp xúc sẽ thuận tiện hơn, vì khách hàng có thể thanh toán mà không cần phải mang theo tiền mặt.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng ghi nhận những câu chuyện thành công ban đầu. Australia đang thí điểm công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV trên phà Sydney và đường sắt nhẹ. Myanmar, Thái Lan và Singapore cũng đã đưa ra thông báo công khai về các chiến lược vận chuyển sử dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV.
Nếu hành khách ở Việt Nam có thể bắt đầu sử dụng thẻ không tiếp xúc EMV để thanh toán, bất kể ngân hàng phát hành thẻ hay phương thức vận chuyển nào, thì việc này sẽ hỗ trợ việc áp dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc rộng hơn. Khách hàng sẽ hoàn toàn không cần dùng đến ví tiền nữa.
Khi “ông lớn” công nghệ thanh toán Visa vào cuộc
Nắm bắt được xu hướng chung của thế giới, ngày 7/8 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM và Visa đã ký kết thỏa thuận hợp tác thúc đẩy công nghệ thanh toán điện tử, hỗ trợ các phương thức di chuyển thông minh tại TP.HCM. Trong thỏa thuận hợp tác này, Visa và Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM dự kiến hợp tác nhằm tăng cường chấp nhận thanh toán kỹ thuật số, xây dựng hệ thống thanh toán mở và an toàn trên tất cả hệ thống giao thông ở Thành phố.
Các sáng kiến bao gồm việc tận dụng nghiên cứu về tính khả thi của hệ thống thanh toán trong giao thông ở TP.HCM để phổ cập cho các bên liên quan và định hướng, hoạch định chính sách nhằm xây dựng hệ thống giao thông cũng như hệ sinh thái, hạ tầng thanh toán. Hai bên cũng sẽ nghiên cứu các cơ hội mới để nâng cấp hệ thống thanh toán đóng truyền thống qua việc áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV cho tất cả mạng lưới giao thông đô thị.
Visa đồng thời chia sẻ phương thức quản lý các dự án giao thông vận tải cùng lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM qua các hội thảo và hỗ trợ tổ chức chương trình tham quan nghiên cứu một thành phố đã triển khai thành công hệ thống thanh toán không tiếp xúc cho giao thông công cộng, nhằm trao đổi kinh nghiệm về giải pháp di chuyển thông minh.
Với thỏa thuận hợp tác này, Visa trở thành đối tác ưu tiên trong việc phát triển giải pháp thanh toán điện tử và đưa ra các sáng kiến cho TP.HCM. Được biết, Visa đã tham gia hơn 100 dự án hợp tác cùng công ty vận tải công cộng và chính phủ trên thế giới.