Chuẩn bị cao hơn một mức
Theo Cục Y tế Dự phòng, cơ quan này đang xây dựng kịch bản 100.000 người mắc Covid-19 trên cả nước; 5.000, 10.000 đến 30.000 ca bệnh tại các tỉnh để khi dịch lan rộng, các tỉnh, thành phố không bị động. Từ kịch bản này, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp.
Xây dựng kịch bản 100.000 ca mắc, mở rộng địa điểm điều trị F0 là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. |
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, các ban, ngành liên quan có trách nhiệm cập nhật kế hoạch đáp ứng, tập huấn cán bộ, kiện toàn đội đáp ứng nhanh, tổ truy vết, tổ Covid-19 và sẵn sàng mở rộng khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; sẵn sàng về nhân lực, test kit xét nghiệm, vật tư chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ nhằm đáp ứng cho kịch bản xấu là 100.000 ca mắc.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng Y tế, các địa phương chưa có dịch phải chuẩn bị ngay. Với địa phương có dịch phải chuẩn bị cao hơn một mức so với yêu cầu để khi dịch xảy ra không bị ngỡ ngàng, bối rối, hoang mang.
Bộ trưởng Y tế cũng đưa ra các vấn đề ngành cần chuẩn bị để đối phó với dịch như nâng công suất xét nghiệm, tổ chức, điều phối, trả kết quả xét nghiệm; chuẩn bị cơ sở cách ly, giảm tối đa tình trạng lây nhiễm chéo.
Ngoài ra, các bệnh viện hạng 2, 3 phải có hệ thống oxy để thở máy không xâm nhập, thở mask và đảm bảo số giường theo yêu cầu của Bộ. Các địa phương phải nhanh chóng kiểm tra nguồn cung ứng oxy để tìm và giải quyết các khó khăn.
Đồng thời Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh cần đẩy nhanh tiêm vắc-xin Covid-19, ưu tiên người trên 65 tuổi, mắc bệnh nền, lực lượng tuyến đầu và theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Liên quan tới việc điều trị F0, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, cơ quan này vừa trình Thủ tướng cho mở rộng các cơ sở được tiếp nhận, điều trị ban đầu Covid-19.
Các địa điểm theo tờ trình của Bộ Y tế có thể là doanh trại quân đội, công an; khu ký túc xá các trường học; khu nhà ở của nhà máy, xí nghiệp; khu chung cư mới chưa sử dụng; khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, khu nghỉ dưỡng; trường học; nhà thi đấu thể thao, sân vận động…
Các cơ sở này chỉ tiếp nhận các bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chưa có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng ở mức độ nhẹ.
Mô hình này đã được thí điểm áp dụng tại Bắc Giang và hiện là TP.HCM và cho hiệu quả tốt. Các cơ sở này được bố trí với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, số lượng nhân lực, thiết bị y tế tối thiểu.
Thêm thuốc mới điều trị F0
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, Việt Nam đang có khoảng 20 đơn hàng với nhiều loại thuốc khác nhau nhập khẩu từ nước ngoài để sẵn sàng cung cấp cho các đơn vị, cơ sở y tế điều trị Covid-19. Bộ Y tế sẽ xin nhập khẩu và đề nghị cấp phép nhanh nhất cho các loại thuốc này.
Thuốc Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19. |
Về phương án điều trị cho F0 theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian qua Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ các cơ quan chức năng và chuyên gia về thuốc Đông y Xuyên tâm liên của Trung Quốc có hiệu quả trong điều trị Covid-19.
Thuốc Xuyên tâm liên đã được một số quốc gia như Malaysia, Indonesia, Thái Lan sử dụng trong thời gian qua. Việt Nam hiện cũng ứng dụng loại thuốc này vào việc điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai một số loại thuốc được cấp phép, có 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong việc điều trị Covid-19 như Remdesivir, Favipiravir... Đây cũng là những loại thuốc đã được nhiều nước trên thế giới sử dụng", Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Với nội dung chuẩn bị trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, thứ trưởng đánh giá một số nơi đang trong trạng thái bị động. Cụ thể, một số trang thiết bị không mua được do thế giới cũng thiếu như máy ECMO (tim phổi nhân tạo), máy thở cao tần (HFNC)... Nếu mua được, thời gian chuyển về cũng rất lâu.
Bên cạnh đó, một số trang thiết bị, máy móc sẵn có nhưng các cơ sở y tế không muốn mua. Nhiều trường hợp khác có kinh phí, muốn mua nhưng gặp vướng mắc về thủ tục như xác định giá, cấu hình chưa phù hợp với quy định của Bộ Y tế.
Đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ lo ngại về việc nhiều cơ sở y tế, địa phương có thể thiếu vật tư, phương tiện bảo hộ nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Do đó, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động trong việc chuẩn bị khẩu trang, quần áo bảo hộ tùy tình hình. Nếu cần thiết, Bộ Y tế có thể hỗ trợ vấn đề này.
Theo đại diện Bộ Y tế, Việt Nam đang tiếp tục nhận viện trợ, đồng thời khẩn trương nhập khẩu thêm test kit để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Với các trang thiết bị cấp cứu, điều trị như máy ECMO, máy thở oxy cao tần HFNC, lọc máu liên tục, máy thở oxy từ khí trời, hệ thống oxy di động cỡ lớn..., Thứ trưởng Cường nhấn mạnh các địa phương cần chủ động để luôn sẵn sàng trong tình huống xấu nhất.
"Các tỉnh có tình hình dịch chưa quá phức tạp cũng cần chuẩn bị ngay từ bây giờ, tránh bị động dẫn đến khó kiểm soát", Thứ trưởng Trương Quốc Cường đề nghị.
Tạm thời phong tỏa trụ sở Bộ Công Thương
Trụ sở của Bộ Công Thương (25 Ngô Quyền, phường Tràng Tiến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang bị phong toả tạm thời để thực hiện các biện pháp phòng chống Covid-19, sau khi có 1 trường hợp F0 đến làm việc.
Theo báo cáo, trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên tại Viện Cơ khí năng lượng và mỏ Vinacomin. 14h30 ngày 14/7, người này đến Cục An toàn môi trường số 25 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền chuyển công văn, hồ sơ và được ông H - công chức Phòng An toàn Khoáng sản và Vật liệu nổ Công nghiệp, Cục An toàn Môi trường hướng dẫn tại bàn tiếp nhận hồ sơ khu vực tiền sảnh của Cục, khoảng 1 - 2 phút.
Cả hai có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi trao đổi công việc. Sau đó, F0 vào Văn phòng Cục nộp hồ sơ cho Văn thư Cục, có đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, nộp xong ra ngay, không trao đổi.
Ngày 16/7, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành quyết định phong tỏa tạm thời toàn bộ Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ VINACOMIN (565 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân) 7 ngày để phục vụ điều tra, truy vết liên quan ca mắc Covid-19.
Trước đó, trưa ngày 16/7, Sở Y tế Hà Nội thông tin ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 là F1 của bệnh nhân N.T.H.N. (liên quan đến tỉnh Bắc Ninh) vừa được công bố sáng nay.
Cụ thể, cả 2 bệnh nhân mới được xác định dương tính với SARS-CoV-2 là bệnh nhân N.Đ.M, nam, sinh năm 1986, địa chỉ phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy và bệnh nhân T.H.T., nữ, sinh năm 1991, địa chỉ Mộ Lao, Hà Đông. Cả 2 bệnh nhân đều làm cùng cơ quan và là F1 của bệnh nhân N.T.H.N. (được Sở Y tế Hà Nội thông tin sáng nay).
Ngày 15/7, cả 2 trường hợp này được lấy mẫu xét nghiệm và ngày 16/7, 2 bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.