Du lịch
Xây dựng mô hình du lịch nông thôn kiểu mẫu: Cần nhiều cuộc đối thoại công - tư
Xuân Bách - 12/08/2023 19:40
Cần xây dựng những mô hình du lịch nông thôn kiểu mẫu để người dân có niềm tin làm theo. Muốn làm được điều đó, rất cần những cuộc đối thoại công – tư để các bên thấu hiểu nhau.

Các chuyên gia du lịch cho rằng, để Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả, cần xây dựng những mô hình kiểu mẫu để người dân có niềm tin làm theo. Và muốn làm được điều đó, rất cần những cuộc đối thoại công – tư để các bên thấu hiểu nhau.

Tham gia làm du lịch nông thôn, nhiều hộ dân đã có thu nhập ổn định. (Ảnh: Xuân Bách)

Du lịch nông thôn không còn xa lạ

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đã và đang mang lại lợi ích kép, vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. 

Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. 

Riêng việc phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (Chương trình OCOP), đến nay, cả nước đã có gần 80 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn của Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bích, chuyên gia phát triển du lịch bền vững, Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, cho rằng: “Đất nước hình chữ S của chúng ta có cả tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, con người, giá trị văn hóa, giá trị nông nghiệp để phát triển du lịch nông thôn… 

“Việt Nam hiện có 32 Vườn quốc gia, trong đó có 15.000 loài động vật. Diện tích bờ biển trải dài trên 32.000 km, hơn 27.000 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp. Hệ san hô, rừng ngập nước đa dạng. Văn hoá bản địa đặc sắc của 54 dân tộc anh em. Chương trình OCOP tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao...”, ông Bích điểm qua một số tài nguyên và dẫn chứng một số điển hình như: Đà Lạt (Lâm Đồng) đã hình thành nhiều famstay chất lượng, hay Làng du lịch sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên) đã vinh dự nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” của Tổ chức Du lịch Thế giới. 

Du lịch nông thôn phải thực sự tạo ra công ăn việc làm, thay đổi tư duy của người dân, giúp họ cải thiện kinh tế của bản thân, gia đình. Sau nhiều năm điều hành và phát triển thành công hệ thống Mekong Rustic ở Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, ông Bích nhận thấy, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn đã tạo thu nhập ổn định cho những hộ dân đồng hành cùng mình. Trong những mùa cao điểm, mỗi tháng, hộ tham gia có thu nhập trung bình từ 15 đến 20 triệu đồng.

Đồng quan điểm, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á (ATI), Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) cho rằng, trước đây, có thể nói du lịch nông thôn còn xa lạ với người dân Việt Nam và thu hút khách nước ngoài, nhưng những năm gần đây thì khái niệm trên không còn chính xác. 

“Ví dụ, 2 làng du lịch cộng đồng là A Nôr, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế và Ta Lang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mà Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam xây dựng từ cuối năm 2019. Ở thời điểm trước khi có dịch, 2 làng du lịch cộng đồng này đã đón tiếp tới 80% lượng khách đến là ở trong nước. Hay Quảng Bình có bản Rum Ho của bà con Bru Vân Kiều, hiện nay đã đưa vào đón khách”, ông Quỳnh minh chứng.

Du khách trải nghiệm điệu múa truyền thống của đồng bào Mường. (Ảnh: Xuân Bách)

Cũng theo ông Quỳnh, VCTC đã tư vấn rất nhiều những mô hình du lịch cộng đồng. Nhưng trực tiếp triển khai thì đã có A Nôr của Huế là mô hình được đánh giá cao, được Hiệp hội Du lịch Việt Nam khen tặng là làng du lịch phát triển vì cộng đồng. 

Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du khách.

Khẳng định phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, bà con sẽ thu lại những nguồn lợi từ du lịch, và gắn kết cộng đồng, phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ngành kinh tế xanh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, tài nguyên du lịch nông thôn. Hiện trạng phát triển du lịch nông thôn không đồng đều, không nhất quán giữa các địa phương, vùng miền trên cả nước. 

“Khi đi các tỉnh, tôi thấy việc phát triển du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, người dân mong muốn phát triển du lịch nhưng lại không thể xây dựng trên đất nông nghiệp hoặc đất rừng nên không thể đầu tư, gọi vốn và phát triển được. Mặt khác, người dân chưa có cơ quan, tổ chức chính thống nào hướng dẫn họ làm du lịch nông thôn bền vững. Và chưa có mô hình mẫu nào để người nông dân tin tưởng làm theo”, ông Bích chia sẻ thực tế. 

Do đó, điều quan trọng nhất để phát triển du lịch nông thôn là cần xây dựng được mô hình chuẩn ở mỗi bản, làng có nhiều tiềm năng. Mô hình này không cần quá lớn và không tốn nhiều chi phí, có thể làm nhanh được. 

“Để xây dựng được mô hình này, cần có nhiều cuộc đối thoại công – tư để chính quyền hiểu được người dân và doanh nghiệp đang làm gì, đang cần gì, để từ đó xây dựng và điều chỉnh chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn sát thực tiễn, đồng thời xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí chung để các địa phương xây dựng chính sách và bộ tiêu chí riêng phục vụ phát triển du lịch nông thôn bền vững”, ông Bích “hiến kế”. 

Du khách trải nghiệm hái chè. (Ảnh: Xuân Bách)

Đề xuất thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa nông nghiệp và du lịch 

Để phát huy nguồn lực của du lịch nông nghiệp, nông thôn, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng, vai trò của chính quyền, của cộng đồng làm du lịch tại địa phương rất quan trọng. Khi xây dựng mô hình du lịch nông thôn ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì việc lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới.

Muốn phát triển được du lịch nông thôn thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng, của địa phương. Từ đó lựa chọn ra giá trị tiêu biểu nhất, đặc sắc nhất để khai thác và tạo sản phẩm du lịch. Song hành với việc đó, chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản.

Để phát triển kinh tế địa phương, tôn trọng những giá trị bản địa, giá trị nông thôn thì loại hình du lịch có trách nhiệm sẽ là giải pháp để phát triển du lịch đúng hướng và bền vững. “Một nền du lịch bền vững, người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương. Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử hấp dẫn du lịch mà dân cư tại chỗ tham gia vào phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Là Giám đốc đổi mới sáng tạo của dự án Du lịch Thuỵ Sĩ vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, ông Bích cho biết, Thuỵ Sĩ là đất nước số 1 về làm du lịch và đào tạo nghề du lịch. Họ có bản quy hoạch tổng thể phát triển du lịch để gìn giữ tài nguyên thiên nhiên cho muôn đời sau. Từ đó, xây dựng rất nhiều mô hình du lịch bền vững. Đó cũng là lý do rất nhiều làng du lịch ở Thuỵ Sĩ được công nhận là làng du lịch tốt nhất thế giới. Họ tạo ra những ngôi làng du lịch mà thực chất là làng hạnh phúc. Họ không đón quá lượng khách theo sức chứa. Vì thế, nhiều khách muốn đến làng tham quan phải đợi đến hôm sau. Điều này không chỉ tăng sức hút, đảm bảo sức tải để phát triển bền vững mà còn tăng thời gian lưu trú của du khách. 

“Việt Nam cũng cần những mô hình mẫu nhỏ, đẹp và hiệu quả như vậy và chúng tôi đang hướng đang mong muốn học hỏi, áp dụng mô hình của Thuỵ sĩ tại Việt Nam để phát triển bền vững hơn”, ông Bích cho hay.

Du khách khám phá chợ nổi Cái Răng. (Ảnh: Xuân Bách)

Bên cạnh đó, để nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân có tiếng nói chung, ông Bích đưa ra giải pháp thành lập Ủy ban hỗn hợp giữa nông nghiệp và du lịch để tìm ra con đường đi hiệu quả và bền vững nhất. Và để các vùng, miền có sản phẩm du lịch nông thôn khác biệt, nhất định phải có quy hoạch chung của các vùng. 

“Đơn cử, đồng bằng sông Cửu Long phải có quy hoạch cả vùng rồi mới làm quy hoạch từng tỉnh, theo thế mạnh. Tỉnh nào không có thế mạnh phát triển du lịch nông thôn thì thôi, không nên cố. Nếu tỉnh nào cũng quy hoạch du lịch miệt vườn thì sẽ bị loãng và gây nhàm chán. Việc quy hoạch sản phẩm du lịch vùng cực kỳ quan trọng và liên quan đến quy hoạch tổng thể từ đó phân ra các lĩnh vực, trong đó du lịch”, ông Bích dẫn chứng.

Du khách nước ngoài trải nghiệm bắt cá khi khám phá vùng sông nước Tây Nam Bộ, Việt Nam. (Ảnh: Xuân Bách)

Để Chương trình Phát triển du lịch nông thôn đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Bộ NNPTNT đề nghị các địa phương ban hành Kế hoạch hoặc triển khai Kế hoạch phát triển du lịch nông thôn cần phù hợp với các quy hoạch về kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học..., gắn với định hướng đầu tư về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới và các sản phẩm du lịch mang đặc trưng vùng, miền. 

Bên cạnh đó, các địa phương có mô hình thí điểm sớm xây dựng Dự án, Kế hoạch, bố trí nguồn lực và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện. Chủ động bố trí, lồng ghép nguồn lực, để hỗ trợ xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn (đường giao thông, nước sạch, môi trường,…) gắn với kế hoạch đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình/dự án khác trên địa bàn…

Tin liên quan
Tin khác