Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Dự thảo nêu rõ, căn cứ số liệu tồn kho tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền đình chỉ lưu hành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thời gian tiêu huỷ tiền, số lượng, giá trị từng loại tiền tiêu huỷ.
Hội đồng tiêu huỷ tổ chức tiêu hủy tiền tại Cục Phát hành và Kho quỹ ở Hà Nội (Cụm tiêu hủy phía Bắc) và tại Chi cục Phát hành và Kho quỹ ở thành phố Hồ Chí Minh (Cụm tiêu hủy phía Nam). Trường hợp cần thiết phải tổ chức tiêu hủy tiền tại cơ sở khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Nguyên tắc tiêu hủy tiền là phải đảm bảo bí mật Nhà nước và an toàn tuyệt đối trong công tác tiêu hủy tiền. Tiền tiêu hủy phải được kiểm đếm chọn mẫu làm căn cứ để Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy quyết định tỉ lệ kiểm đếm từng loại tiền trước khi tiêu hủy. Tiêu huỷ theo số tiền thực tế đã nhận từ Kho tiền Trung ương sau khi có kết quả kiểm đếm, phân loại của Hội đồng tiêu hủy. Tiền sau khi đã tiêu hủy thành phế liệu phải bảo đảm không thể khôi phục để sử dụng lại như tiền.
Phương pháp tiêu hủy tiền được quy định như sau: Tiền tiêu hủy là tiền giấy được tiêu hủy bằng hệ thống máy cắt hủy chuyên dùng. Tiền tiêu hủy là tiền kim loại được tiêu hủy bằng phương pháp nấu chảy hoặc máy hủy tiền kim loại chuyên dùng.
Tiền tiêu hủy bảo quản trong kho được kiểm kê mỗi tháng 1 lần, thời điểm 0 giờ ngày 1 hàng tháng. Việc kiểm kê do Phó Chủ tịch Hội đồng tiêu huỷ phụ trách cụm tiêu huỷ, Trưởng phòng Tiêu huỷ tiền, kế toán kho tiền tiêu huỷ thực hiện và trưng tập cán bộ giúp việc kiểm kê, dưới sự giám sát của Hội đồng giám sát. Biên bản kiểm kê tiền tiêu huỷ được lập thành 05 bản: Hội đồng tiêu hủy giữ 04 bản; 01 bản gửi Hội đồng giám sát.