Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trao đổi với Báo Đầu tư về đầu tư công trong lĩnh vực trên và vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu quan trọng này.
Ông Trần Quốc Phương,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Thưa Thứ trưởng, đầu tư công trong lĩnh vực chính phủ điện tử tại Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước thuộc hệ thống chính trị trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm, trong đó, công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử đã có những bước tiến rõ nét và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Để có được thành quả đó, việc sử dụng vốn đầu tư công để triển khai các dự án công nghệ thông tin trong các cơ quan đã được triển khai khá hiệu quả. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với công tác này là khả năng nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực công nghệ thông tin còn rất hạn hẹp.
Chúng ta đang trong thời điểm chuẩn bị kết thúc chu kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị cho một chu kỳ đầu tư công trung hạn mới. Công tác chuẩn bị cơ bản đã được triển khai như xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đặc biệt là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành các bước xin ý kiến để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ triển khai Nghị quyết này. Đây là những căn cứ pháp lý quan trọng để triển khai công tác lập kế hoạch vốn đầu tư công cho lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ trọng tâm.
Mặt khác, các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 đã có nhiều bước đổi mới, tạo quyền chủ động tối đa cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc cân đối nguồn lực cho công nghệ thông tin trong tổng số vốn mà đơn vị đó có được trong cả giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số lượng các gói thầu triển khai đấu thầu qua mạng tăng rất mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Ông đánh giá thế nào về sự cấp thiết trong việc xây dựng chính phủ điện tử trong bối cảnh hiện nay?
Thực tiễn thời gian qua đã cho thấy, việc xây dựng và sớm hoàn thiện Đề án Chính phủ điện tử là một định hướng đúng đắn và là nhu cầu tất yếu, khách quan, là xu thế chung của thế giới. Quốc gia nào làm sớm thì quốc gia đó sẽ có nhiều thuận lợi trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế, quản lý xã hội...
Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin tăng mạnh trong tất cả các hoạt động do tác động của Covid-19. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc phát triển Chính phủ điện tử nhờ nền tảng công nghệ thông tin đã ở một trình độ khá trên thế giới, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng kết nối, hạ tầng số...
Mặc dù vậy, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Chính phủ điện tử còn rất nhiều, nhu cầu vốn đầu tư công cho lĩnh vực này cũng rất lớn. Do đó, vấn đề lớn nhất hiện nay là phải cân đối vốn sao cho hợp lý, cùng với việc lựa chọn công nghệ đúng đắn, bảo đảm các giao dịch của các cơ quan nhà nước nhanh, chính xác, hiệu quả và bảo mật tốt.
Vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam hiện nay là gì, thưa Thứ trưởng?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 2 vai trò quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn hiện nay và sắp tới. Cụ thể, với tư cách là một cơ quan trong hệ thống Chính phủ, Bộ phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Đề án Chính phủ điện tử trong nội bộ cơ quan, phấn đấu đạt mục tiêu xây dựng cơ quan theo hướng hiện đại nhất, chuyên nghiệp nhất, hiệu quả nhất.
Với tư cách là một cơ quan tổng hợp có nhiệm vụ tham mưu về cơ chế chính sách tổng hợp và cơ chế chính sách về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung đầu tư sức lực, trí tuệ để nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược trong việc phát triển công nghệ thông tin nói chung và phục vụ Đề án Chính phủ điện tử nói riêng; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc xây dựng kế hoạch vốn hợp lý để phát huy hiệu quả nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của hệ thống chính trị, của Đề án Chính phủ điện tử.
Thưa Thứ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hoạt động gì nhằm đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử trong nội bộ cơ quan khẩn trương, nghiêm túc và đạt nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua.
Thứ nhất là, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nội bộ, đặc biệt là trong công tác quản lý hành chính về các văn bản đi, văn bản đến, xét duyệt hồ sơ, cũng như ký ban hành các văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua công tác này, Bộ thường xuyên cập nhật, hiện đại hóa hệ thống quản lý ngành, thể hiện hiệu quả rất tốt trong công tác quản lý hành chính của Bộ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã sớm triển khai Hệ thống văn bản điều hành tập trung cho tất cả các đơn vị thuộc Bộ, tích hợp với Trục liên thông văn bản quốc gia và ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử.
Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính và dịch vụ công, thủ tục một cửa, tạo điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục hành chính có liên quan đến Bộ. Đồng thời, đã kết nối thành công Cổng dịch vụ công của Bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. Đến nay, một số dịch vụ của Bộ như đăng ký kinh doanh và đấu thầu đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và số hóa các cơ sở dữ liệu. Hiện nay, Bộ có nhiều đơn vị triển khai các hoạt động tạo lập ra các cơ sở dữ liệu lớn, điển hình như Tổng cục Thống kê. Đây có thể coi là “big data” của đất nước, áp dụng triệt để công nghệ thông tin trong quản lý cơ sở dữ liệu.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong các lĩnh vực quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua các hệ thống đang được vận hành. Đầu tiên có thể nói đến là Hệ thống thông tin về đầu tư công. Cách đây 2 năm, đầu tư công chính thức được quản lý bằng công nghệ thông tin. Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành đã công nhận việc quản lý đầu tư công thông qua Hệ thống chính thức có giá trị tương đương văn bản được ký và đóng dấu bởi cấp có thẩm quyền.
Điều này cho thấy giá trị của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác đầu tư công, nhằm giúp công tác đầu tư nâng cao tính hiệu quả, đẩy nhanh các tiến độ, thủ tục phải trải qua các khâu tổng hợp, điều chỉnh…, giúp rút ngắn thời gian và tính đồng bộ trong cả nước rất lớn.
Hệ thống thông tin về đầu tư công đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, hỗ trợ công tác lập, tổng hợp, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng thành công Hệ thống thông tin về giám sát, đầu tư. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp. Hệ thống này đang được vận hành tốt và phục vụ đắc lực cho công tác giám sát, đặc biệt là các báo cáo giám sát phục vụ Quốc hội tại các kỳ họp về giám sát đầu tư. Hệ thống đã được triển khai thống nhất trên toàn quốc, hỗ trợ công tác lập, tổng hợp báo cáo giám sát; quản lý dự án đến các chủ đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hệ thống này đã phát huy hiệu quả rất tích cực, có thể cho thấy được số liệu về đăng ký doanh nghiệp theo từng giờ, từng phút. Hệ thống này đã được kết nối với cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế để theo dõi tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp đã đăng ký trên hệ thống.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia. Hiện nay, theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản chỉ đạo điều hành, phải đẩy mạnh đấu thầu qua mạng. Kết quả sơ kết 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, số lượng các gói thầu triển khai đấu thầu qua mạng tăng rất mạnh, bởi khi triển khai đấu thầu qua mạng có điểm rất lợi thế là rút ngắn thời gian triển khai các bước trong đấu thầu.
Các báo cáo đánh giá về công tác đầu tư công cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm là thời gian thực hiện các thủ tục rất dài, trong đó thủ tục đấu thầu có thể mất đến 6 tháng. Công tác đấu thầu qua mạng giải quyết được rất nhiều gói thầu với thủ tục rất nhanh, tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư.
Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia đã được triển khai để thực hiện đấu thầu, mua sắm tài sản công qua mạng, quản lý thống nhất thông tin, cơ sở dữ liệu về đấu thầu trên phạm vi cả nước. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn có các hệ thống gồm Hệ thống Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài.