Đầu tư Phát triển bền vững
Xây dựng Việt Long tiên phong trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt
Hạ An - 03/01/2021 08:58
CTCP Đầu tư và Xây dựng Việt Long đã tìm ra công nghệ xử lý rác sinh hoạt một cách triệt để. Thành công này của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ môi trường.
Công nghệ của Công ty Việt Long giúp xử lý 100% rác thải sinh hoạt, không gây ô nhiễm môi trường

Nhà máy xử lý rác Made in Việt Nam

Chúng tôi đến thăm Nhà máy xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo, công suất 200 tấn/ngày tại thôn Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí (Nhà máy Khe Giang) của Công ty Việt Long vào sáng một ngày đầu đông, thời tiết lạnh và lất phất mưa phùn. Các đoàn xe chở chất thải rắn sinh hoạt đang thay nhau ra vào đều đặn.

Với tâm lý đến thăm nhà máy xử lý rác nên chúng tôi chuẩn bị khá kỹ về trang phục: mũ, khẩu trang và cả ủng. Nhưng khác với suy nghĩ của chúng tôi, đường vào nhà máy được đổ bê tông và rất sạch sẽ, ngỡ như đang đi trên đường của một vùng quê nông thôn mới, hay trong khu dân cư tại đô thị. Chỉ khác là nhà máy được đặt cách xa khu vực dân cư theo đúng quy định.

Khuôn viên nhà máy tương đối sạch sẽ. Không có chuyện rác thải phải tập kết hay chất đống bên ngoài khu vực nhà máy. Đặc biệt là không có mùi khó chịu, không có côn trùng như ruồi, nhặng như ở những khu tập kết rác ven đường.

Ông Đặng Quốc Cường, Trường phòng Kế hoạch - Kỹ thuật (Công ty Việt Long), người dẫn chúng tôi đi thực địa nhà máy cho biết: “Rác sau khi tiếp nhận từ xe chuyên dụng được đưa vào sàn tiếp nhận của nhà máy và rắc vôi bột khử trùng, khử mùi luôn. Còn nước rác từ xe chuyên dụng chảy xuống sân tiếp nhận thì được thu gom để đưa vào lò đốt. Toàn bộ rác đều được nhà máy xử lý hết trong ngày”.

Theo quan sát của chúng tôi, chỉ có khâu xử lý rác sơ bộ là có nhiều công nhân nhất. Còn để vận hành mỗi lò đốt chỉ cần 2 người.

Đi dạo một vòng quanh nhà máy, chúng tôi gặp ông Mai Thanh Toàn, Phó giám đốc Nhà máy đang kiểm tra nhiệt độ các lò đốt. Ông Toàn dẫn chúng tôi đi thăm thêm khuôn viên trồng rau xanh ngay trong nhà máy. Ông nói: “Sản phẩm cuối cùng của quá trình xử lý rác không chỉ dùng để sản xuất gạch không nung, mà còn được chúng tôi nghiên cứu để làm phân bón cho cây trồng”.

Chia sẻ về quy trình xử lý để có thể đốt được toàn bộ rác, ông Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Việt Long cho biết, rác được xử lý theo các cấp độ đảm bảo đầu ra hoàn toàn là tro xỉ. Dây chuyền xử lý rác do Công ty tự nghiên cứu và chế tạo trên cơ sở sử dụng công nghệ nhiệt phân theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp QCVN 30:2012/BTNMT.

Cụ thể, với cấp I, rác sau khi được xử lý sơ bộ để cắt nhỏ, làm tơi, được điều tiết bằng hệ thống băng tải đưa đến máy xé bao để tiếp tục cắt nhỏ các vật quá cỡ mà khâu xử lý sơ bộ không làm được. Rác sau khi qua máy xé bao được vận chuyển đến trước cửa lò đốt.

Tiếp đó là quy trình cấp II. Rác sẽ được đưa vào lò qua hệ thống nạp. Tại hệ thống nạp, rác được ép tách riêng phần nước, được thu gom cùng với nước rác trên sân tiếp nhận ở khâu xử lý sơ bộ để đưa vào trong lò đốt. Lượng nước rác này là yếu tố chính để điều chỉnh nhiệt độ trong lò khi cần thiết. Phần rác sau khi ép thì được nạp vào lò để xử lý bằng phương pháp đốt, sản phẩm đầu ra của quá trình đốt là tro xỉ. Tro xỉ sẽ được sàng lọc để sản xuất vật liệu xây dựng. Những sản phẩm sản xuất từ tro xỉ bước đầu được sử dụng xây dựng hạ tầng ngay tại nhà máy. Có thể nói, rác thải sinh hoạt đã được Công ty xử lý 100%.

Theo quan sát của chúng tôi, khói của các lò đốt rác có màu trắng, không một chút gợn đen nào. Trao đổi với ông Cường thì được biết, điều này có được là do khói lò được đi qua bể thủy phong để hạ nhiệt, dập bụi trước khi thải ra ngoài môi trường. Bể thủy phong được thiết kế để khi khói lò đi qua thì phía trên có hệ thống phun nước dập bụi. Bụi từ khói lò sẽ giữ lại ở bể thủy phong, bể này được vệ sinh định kỳ hàng tháng.

Nước dập bụi tại bể thủy phong một phần bay hơi do tiếp xúc với khí nóng trong quá trình hạ nhiệt khói lò, một phần được thu gom lại vào bể lắng và bơm tuần hoàn tiếp tục thực hiện công tác dập bụi, một phần để sử dụng cho việc sản xuất vật liệu xây dựng từ tro xỉ. Do vậy, cũng không hề có nước thải ra ngoài môi trường.

Định kỳ hàng quý, Công ty thực hiện quan trắc môi trường và đều cho kết quả tốt. Trong quá trình vận hành, Công ty cũng luôn đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường, nhất là về không khí xung quanh, tiếng ồn, chất lượng khói lò, chất lượng nước mặt, nồng độ Dioxin/Furan.

“Nếu nhà máy này mà ô nhiễm thì tôi chắc đã đổ bệnh từ lâu rồi, vì tôi làm ở đây từ khi xây dựng nhà máy. Anh em cán bộ, công nhân ở đây chắc cũng đã bỏ việc chứ đâu có chuyện gần 50 con người vẫn cứ làm việc liên tục tại nhà máy. Tuy vậy, để yên tâm, hàng năm, Công ty đều tổ chức cho người lao động thăm khám sức khoẻ định kỳ”, ông Toàn chia sẻ.

Xây dựng thành nhà máy xử lý rác của vùng

Nhà máy xử lý rác Khe Giang với 5 lò đốt đang hoạt động là kết quả của quá trình nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo tại phường Bắc Sơn, TP. Uông Bí trong những năm 2012 và 2013. Nhà máy đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, hàng ngày tiếp nhận và xử lý gần 200 tấn rác của thị xã Quảng Yên và TP. Uông Bí. Trong những dịp lễ tết, nhà máy có những ngày phải tiếp nhận và xử lý hơn 700 tấn/ngày. Được biết, dây chuyền công nghệ này đang được Công ty thực hiện các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

“Mặc dù được đánh giá rất cao về công nghệ hiện tại, nhưng chúng tôi vẫn muốn nâng cấp, cải tiến dây chuyền công nghệ, thiết bị máy móc để đi đến cơ giới hóa, tự động hóa, nâng công suất của lò đốt lên mức tối đa”, ông Thắng chia sẻ.

Trong thời gian tới, Công ty Việt Long sẽ thành lập liên doanh với các đối tác của Nhật Bản để đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải y tế theo công nghệ chưng cất khí khô có công suất 4 tấn/ngày.

Kỳ vọng của ông Thắng là trong thời gian tới, Công ty sẽ thực hiện dự án chế tạo các lò đốt rác di động để phục vụ cho các địa phương chưa phát triển, các khu vực nông thôn - nơi xử lý rác vẫn theo hình thức chôn lấp là chính.

Công ty đã được rất nhiều địa phương tìm đến và đề xuất xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương mình như Quảng Nam, Hà Giang, Thanh Hóa...

Chia sẻ thêm về những trăn trở của mình, ông Lê Quang Thắng nhấn mạnh: “Ở Việt Nam hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ. Song, mặt trái của điều này là môi trường sống đang bị tác động bởi các loại rác thải rắn sinh hoạt, rác thải rắn công nghiệp... Trong khi đó, việc xử lý rác thải chủ yếu vẫn là hình thức chôn lấp. Điều này không chỉ khiến nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên quý giá là đất đai”.

Báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Ninh 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 đã đưa ra số liệu dự báo về lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh đến năm 2023 dựa trên tốc độ tăng dân số. Cụ thể là khoảng 1.314,6 tấn/ngày, tăng 71,1 tấn/ngày so với năm 2020. Như vậy, cùng với sự gia tăng về dân số, sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường sống ngày càng lớn. Vì vậy, việc đầu tư hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn toàn tỉnh là nhu cầu cấp bách đảm bảo môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân.

Do có nhiều năm kinh nghiệm về công tác xử lý môi trường nên Công ty Việt Long được UBND tỉnh tin tưởng giao nhiệm vụ lập quy hoạch điều chỉnh tổng thể Khu xử lý rác thải tại khu vực Khe Giang, xã Thượng Yên Công, TP. Uông Bí (quy mô 32 ha).

Công ty đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng đầu tư xây dựng thành khu vực xử lý chất thải rắn liên vùng (Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên), với mục tiêu xử lý tổng hợp các loại chất thải phát sinh trên địa bàn như chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải công nghiệp, bùn bể phốt, chất thải xây dựng, tái chế chất thải nhựa.

Khu xử lý chất thải y tế nằm trong quy hoạch trên cũng sẽ được triển khai xây dựng vào năm 2021. Công ty Việt Long sẽ thành lập liên doanh với các đối tác của Nhật Bản đã được tỉnh Quảng Ninh cho phép (Công ty Chodai, Ambiente, Kinsei) để đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải y tế theo công nghệ chưng cất khí khô có công suất 4 tấn/ngày.

Rời nhà máy, các lò đốt vẫn đang đỏ lửa để biến rác thành các viên gạch xây dựng. Các kế hoạch trong tương lai của Công ty Việt Long vẫn đang trong quá trình triền khai. Chúng tôi tin tưởng chẳng bao lâu nữa, khu vực Khe Giang sẽ hiển hiện một khu xử lý không chỉ chất thải rắn sinh hoạt, mà còn cả chất thải y tế của cả vùng được xây dựng hiện đại.

Tin liên quan
Tin khác