Các hãng thi nhau giảm giá bán
Không còn là những màn chạy đua về công suất mã lực, các hãng ô tô điện tại Trung Quốc đang chuyển hướng tham gia những "cuộc chiến" hạ giá sản phẩm. Theo CNBC, ngay cả với một “gã khổng lồ” xe điện như BYD cũng đang liên tục lập ra “đáy” giá mới cho các sản phẩm của mình.
Mẫu xe Seagull có giá bán chưa đến 10.000 USD. Ảnh: BYD |
Cụ thể, BYD đã giảm giá 5% mẫu ô tô Seagull, dòng xe có giá thấp nhất của hãng. Qua đó đưa mức giá khởi điểm của chiếc xe về mức 69.800 nhân dân tệ (khoảng 9.700 USD). Một dòng sản phẩm khác Yuan Plus cũng đã được giảm giá 11%, xuống còn 119.800 nhân dân tệ (16.600 USD). Chiến dịch giảm giá mạnh tay này đã góp phần giúp BYD đánh bại Tesla để trở thành công ty xe điện lớn nhất thế giới. Bất chấp việc doanh thu của hãng xe đa phần chỉ đến từ Trung Quốc.
Nhiều hãng xe khác đến từ Trung Quốc cũng đang “tất tay” giảm giá sản phẩm. Chẳng hạn với Xpeng, hãng đã giảm 20.000 nhân dân tệ (hơn 2.700 USD) cho chiếc SUV G6. Liên doanh SAIC - GM - Wuling cũng mới tuyên bố sẽ giảm giá phiên bản cao cấp của mẫu xe Wuling Starlight khoảng 6.000 nhân dân tệ (833 USD), đưa giá xe xuống còn 99.800 nhân dân tệ (13.862 USD). Một hãng xe khác là Changan cũng đã giảm giá mẫu Qiyuan A05 từ mức 90.000 nhân dân tệ (12.500 USD) xuống còn 73.900 nhân dân tệ (10.200 USD).
Theo ông Eric Han, Giám đốc cấp cao của Suolei, một cuộc cạnh tranh giá bán khốc liệt đã được phát động, kể từ khi BYD và Xpeng quyết định hạ giá xe để tăng doanh số. Điều này khiến các đối thủ cạnh tranh cũng buộc phải giảm giá theo để tránh mất thị phần.
“Việc giảm giá trên diện rộng sẽ gây áp lực lên doanh thu và tỷ suất lợi nhuận trong ngắn hạn. Tuy nhiên, các chiến dịch này sẽ góp phần thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thị trường xe điện”, bà Yuqian Ding, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ô tô Trung Quốc tại HSBC, cho biết.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc còn bất định, doanh số bán xe điện và xe hybrid dự kiến chỉ tăng khoảng 13%, lên 11,5 triệu chiếc trong năm nay. Tốc độ này chậm hơn khi so với mức tăng trưởng 38% vào năm 2023.
Những điều làm nên sự khác biệt
Theo ông Yiming Wang, nhà phân tích tại China Renaissance Securities, giá cả và quãng đường đi được tối đa là hai yếu tố mà người tiêu dùng đặt lên hàng đầu khi chọn mua xe điện. Hiện các hãng xe đến từ Mỹ đang gặp nhiều bất lợi do chi phí sản xuất pin vẫn đang ở mức cao. Điều này khiến chi phí cấu thành nên sản phẩm bị đội lên và làm mất sức cạnh tranh về giá bán.
Theo JATO Dynamics, giá xe điện trung bình tại châu Âu và Mỹ lần lượt là 70.462 USD và 71.683 USD. Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá xe điện trung bình chỉ là 32.842 USD.
Hiện các doanh nghiệp Trung Quốc đang sở hữu khoảng 41% mỏ cobalt trên thế giới và kiểm soát hầu hết mỏ khai thác lithium, nguyên liệu quan trọng để sản xuất pin xe điện. Không chỉ vậy, công suất sản xuất pin của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang nhiều hơn phần còn lại của thế giới. Hiện trụ sở của 6/10 công ty sản xuất pin lớn nhất đều đang có mặt tại xứ tỷ dân.
Bên cạnh việc giảm giá sản phẩm, nhiều hãng ô tô điện Trung Quốc còn bổ sung các những tính năng không tưởng vào trong những mẫu xe mới. Như với Aito, công ty này đã đưa vào trong chiếc SUV M9 một màn hình chiếu lên tới 32 inch.
“Xe điện ở Trung Quốc đang trở thành một sản phẩm điện tử tiêu dùng, tương tự như ngành công nghiệp điện thoại di động. Trong đó, người dùng có xu hướng ưa thích các mẫu xe có nhiều tính năng giải trí và tiện ích hiện đại”, ông Li Yi, CEO của Appotronics, nhận định.
Theo các chuyên gia, khi thiết kế xe hơi, các kỹ sư tại Đức sẽ xem xét đến yếu tố công suất mã lực đầu tiên. Trong khi đó, những kỹ sư Trung Quốc lại giành ưu tiên đối với buồng lái và nội thất xe.
Theo HSBC, Trung Quốc sẽ chào đón màn ra mắt của hơn 100 mẫu xe điện trong năm 2024. Với sự cạnh tranh gắt gao như vậy, các doanh nghiệp sản xuất xe hơi luôn phải tìm cách đổi mới và bổ sung thêm nhiều tính năng công nghệ vào sản phẩm. Đây chính là dấu ấn khiến cho bản thân mẫu xe và cả hãng xe không bị lu mờ giữa "rừng" ô tô điện.