Lần tri ân khách hàng thông qua chiến dịch chăm sóc xe Fuso Canter diễn ra trong tháng 4/2015 này chỉ dành riêng cho 4 mẫu xe tải nhẹ là Canter 4.7 LW, 6.5 WIDE, 7.5 GREAT và 8.2 HD. Khách hàng mua xe tải nhẹ Canter được hưởng nhiều ưu đãi khi đến trung tâm dịch vụ của Fuso, như kiểm tra miễn phí 50 hạng mục kỹ thuật, giảm giá 20% phụ tùng chính hãng...
Việc tập trung cho xe tải nhẹ Fuso Canter ở thời điểm này cho thấy, MBV đang muốn mở rộng thị phần trong phân khúc xe tải nhẹ, vốn là lợi thế của các doanh nghiệp trong nước.
Khách hàng sử dụng xe tải Fuso Canter được hưởng nhiều ưu đãi trong chiến dịch chăm sóc xe. Ảnh: T.H |
Trước khi về tay Tập đoàn Daimler AG (Đức) - Công ty mẹ của MBV, thương hiệu xe tải Mitsubishi Fuso chỉ cung cấp 4 phiên bản xe tải hạng nhẹ từ năm 1995. Mặc dù được khách hàng đánh giá cao về độ bền bỉ và tiết kiệm chi phí vận hành, nhưng năm 2013, Fuso chỉ bán được 761 chiếc xe tải hạng nhẹ. Số liệu bán hàng của năm 2014 cũng được cho là không có sự đột biến, bởi đây là giai đoạn chuyển giao quyền kinh doanh từ Mitsubishi sang Mercedes-Benz. Tuy nhiên, MBV kỳ vọng sẽ có đột phá về sản lượng tiêu thụ xe tải Fuso trong năm nay.
Ông Nguyễn Duy Đoàn, Giám đốc Tiếp thị và Hậu mãi xe tải Fuso của MBV cho hay, với chương trình tri ân lần này, khách hàng sẽ nhận được các tiêu chuẩn dịch vụ cao nhất với chi phí hợp lý và thời gian sửa chữa nhanh chóng.
Việc đẩy mạnh kinh doanh xe tải nhẹ tại thời điểm này của MBV được xem là rất kịp thời, bởi với 20 năm hiện diện, nhiều khách hàng của Canter đang có nhu cầu hiện đại hóa phương tiện vận chuyển của mình, đặc biệt khi vấn đề quá tải được siết chặt.
Tất nhiên, xe tải Fuso đang phải cạnh tranh với các loại xe có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc được nhiều công ty thương mại Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn với ưu thế về giá, cũng sản phẩm của một số doanh nghiệp trong nước có tên tuổi.
Hiện tại, nhà cung cấp sản phẩm xe tải đứng đầu tại Việt Nam là Thaco. Năm 2014, Thaco đạt doanh số bán 20.500 chiếc, trong đó trên 95% là xe tải nhẹ và xe tải trung (từ 8 tấn trở xuống), chiếm tới một nửa thị phần xe tải hạng nhẹ và trung của cả nước.
Ông Mai Phước Nghê, Tổng giám đốc Khối kinh doanh xe thương mại của Thaco cho hay, thị trường xe tải đang bán hàng rất tốt do cơ quan hữu trách ráo riết xử lý xe quá tải. Bởi vậy, các doanh nghiệp kinh doanh xe tải đều bán hàng rất chạy. Năm 2015, Thaco đặt kế hoạch kinh doanh 35.000 xe tải, trong đó, 90% là xe tải hạng trung và nhẹ.
“Thaco có thuận lợi về bán hàng do có sự chuẩn bị tốt về sản phẩm, phù hợp với các yêu cầu của Thông tư 42/2014/TT-BGTVT quy định về thùng xe của xe tự đổ, xe xi-téc, xe tải tham gia giao thông đường bộ. Do vậy, doanh nghiệp này đã giải quyết được câu chuyện tải trọng xe, phù hợp với việc siết xe quá tải, nên hàng bán rất thuận lợi”, ông Nghê cho biết.
Bên cạnh đó, còn phải kể tới hệ thống bán hàng rộng khắp của Thaco, với 70 điểm bán hàng đạt tiêu chuẩn 3S (bán hàng - bảo hành - phụ tùng thay thế) trên toàn quốc. Hiện tại, nhiều dòng xe tải hạng nhẹ và trung của Thaco có tỷ lệ nội địa hóa tới 40%.
“Ngoài ra, Thaco đang có những chương trình hỗ trợ khách hàng, như hỗ trợ thuế trước bạ cho một số loại xe, tặng gói phụ tùng trị giá 10 triệu đồng”, ông Nghê cho biết thêm.
Mặc dù có lợi thế gần về khoảng cách địa lý, chi phí rẻ hơn, thời gian nhập khẩu hàng hóa cũng nhanh chóng, nhưng xe tải nhẹ và trung của Trung Quốc hiện không ăn khách. Lý do là, ngoài ưu thế giá rẻ ban đầu, thì xe tải Trung Quốc của các công ty thương mại kém về dịch vụ sau bán hàng và phụ tùng thay thế. Bởi vậy, cuộc đua của xe tải hạng nhẹ và hạng trung tại Việt Nam chủ yếu sẽ diễn ra giữa các doanh nghiệp Nhật Bản như Hino, Fuso, Isuzu, Suzuki, hay đến từ Hàn Quốc như Hyundai và của một số doanh nghiệp nội địa tên tuổi như Thaco, VEAM, TMT.