Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngay Hội thảo trực tuyến toàn quốc lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các địa phương thống nhất có lộ trình cụ thể để mở cửa các cơ sở giáo dục, đào tạo, các trường học trở lại trên toàn quốc, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết quả và đề xuất cụ thể để xem xét, quyết định.
Xem xét cho học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể đi học trực tiếp tại trường sau Tết Nguyên đán. |
Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện truyền thông tạo sự đồng thuận xã hội về việc mở cửa an toàn trường học trở lại;
Hướng dẫn các địa phương cho học sinh từ 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp an toàn trở lại sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sớm nhất có thể, nhất là đối với các địa phương có tỷ lệ cao trong việc tiêm đủ liều vắc-xin cho đối tượng từ 12-17 tuổi.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức an toàn, phòng chống dịch Covid-19 để cho trẻ em, học sinh từ 5-11 tuổi đi học trực tiếp trở lại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức Hội thảo khoa học, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và tham khảo tổ chức WHO để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục về biện pháp phòng, chống dịch cho trẻ em, học sinh đi học an toàn trở lại; khẩn trương, nghiên cứu sửa đổi, ban hành tiêu chí xác định các cấp độ dịch trong tình hình mới.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo, tọa đàm và truyền thông tạo đồng thuận xã hội để học sinh, phụ huynh, người dân yên tâm cho con em trở lại trường học trực tiếp an toàn và hiệu quả.
Về việc trở lại trường của học sinh, sáng 18/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã trao đổi với các các quận, huyện và TP.Thủ Đức về việc chuẩn bị đón trẻ tiểu học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (ngày 7/2). Cùng đó, sở đã có hướng dẫn tổ chức dạy trực tiếp cho bậc tiểu học.
Theo đó, với những địa bàn vùng xanh, trong tuần đầu tiên khi học sinh trở lại, nhà trường có thể tổ chức dạy 2 buổi/ngày hoặc bán trú cho tất cả khối theo nhu cầu của học sinh và phụ huynh.
Giáo viên dành thời gian hướng dẫn cho học sinh thói quen phòng dịch Covid-19 tại trường, xây dựng lại nề nếp học tập, nắm bắt, phân loại các em theo từng nhóm dựa vào thời lượng tham gia học trực tuyến, khả năng tiếp thu và ôn tập kiến thức. Nhà trường đồng thời xây dựng kế hoạch chuẩn bị kiểm tra cuối học kỳ I đối với học sinh lớp 1, 2.
Những cơ sở giáo dục ở địa bàn vùng vàng (cấp độ 2) thực hiện tương tự hướng dẫn với vùng xanh. Trong tuần đầu tiên, nhà trường được dạy học hai buổi, bán trú cho khối 1 và 2. Tuy nhiên, ở địa bàn có dịch cấp độ 2, các trường chỉ tổ chức cho học sinh lớp 3, 4, 5 đi học một buổi/ngày.
Đối với vùng cam (cấp độ 3), sở hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học trực tiếp một buổi/ngày đối với khối lớp 1, 2 trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai. Học sinh lớp 3, 4, 5 tiếp tục học trực tuyến.
Các trường ở địa bàn vùng xanh, vàng, cam đều có thể tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I cho học sinh lớp 1, 2 trong tuần thứ ba khi trở lại trường.
Cơ sở giáo dục thuộc khu vực cấp độ 4 (vùng đỏ) tiếp tục dạy học trực tuyến. Nhà trường tập trung thực hiện theo đúng tiến độ chương trình ở những môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh (đối với lớp 1, 2, 3) và Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, Khoa học, Lịch sử và Địa lý (đối với lớp 4, 5). Đối với các môn học khác, trường sắp xếp thành chủ đề, tổ chức dạy học kiến thức cốt lõi.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất thành phố cho học sinh tiểu học, lớp 6, trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 14/2 theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Với những trường hợp chưa sẵn sàng đến lớp, các trường vẫn duy trì giải pháp dạy trực tuyến.
Được biết, hiện theo thông báo ngày 15/1 của TP.HCM, thành phố đã 2 tuần liên tiếp duy trì là vùng xanh (cấp độ một). 19/22 quận, huyện của TP.HCM thuộc cấp độ một. Riêng quận 1, Nhà Bè, Cần Giờ thuộc cấp độ 2.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình tổ chức dạy học tại các địa phương, tính đến ngày 15/1/2022, cả nước có 7 tỉnh dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông, gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Thái Bình và Hà Nam. Tại các địa phương này, dịch đang ở cấp độ 1 (vùng xanh).
Đối với các địa phương còn lại, 19 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình; 37 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. Tổng số huyện/thị xã/thành phố dạy học trực tuyến, trên truyền hình là 366/713 (chiếm 51,3%).
Cả nước có 43 tỉnh, thành phố đã cho học sinh mầm non đi học trở lại; 46 tỉnh, thành phố cho học sinh tiểu học đến trường, chiếm 57,38% học sinh tiểu học trên cả nước; 53 tỉnh, thành phố cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông (nhất là học sinh khối lớp 7 đến lớp 12) học trực tiếp, chiếm 69% học sinh của cả nước.